27.11.05

HÁT CHIÊU HỒN MÌNH

TRẦN XUÂN AN
HÁT CHIÊU HỒN MÌNH

thơ


NHÀ XUẤT BẢN ĐỒNG NAI
1991


Thành kính tạ ơn vợ chồng anh Trần Xuân Thái, vợ chồng chị Trần Thanh Loan cùng các cháu đã tài trợ cho tập thơ này được ra đời.
Chân thành cảm ơn các anh Văn Viết Lộc, Nguyễn Luân Phúc, Nguyễn Miên Thảo, Nguyễn Nu và bạn bè đã nhiệt tình động viên và giúp đỡ thực hiện


TRẦN XUÂN AN



hồn xiêu phách lạc giữa đời
thơ ơi hãy hát cho tôi chính mình…
niềm chung hoá khúc tự tình
nầy đây, với cả tâm linh, hát rằng…




THOÁNG XƯA

tôi trở về đây sông ơi
bước trên lối cỏ một thời ấu thơ

ơ kìa chú bé ngây ngô
mải theo chiếc bướm thoắt chờ thoắt bay

dù áo đầy bông cỏ may
súng vang, tiếng mẹ khô gầy tìm con!

vẫn thơm nắng gió say hồn
vời trông cánh nhỏ chập chờn dần xa

sông ơi bao năm trôi qua
thoáng xưa gặp lại ướt nhoà mắt tôi.

1990



KHÚC HÁT
CHIÊU HỒN MÌNH

thơ ơi bây giờ nơi đâu?
ngóng mãi bao cánh chim phương nào bay lạc
và bao tiếng hát một mình
tiếng hát lặng thầm sao!

tho ơi bây giờ nơi đâu
những trang giấy bay xa
phất phơ
phiêu đãng
theo làn sóng nào chìm vào im lặng

bây giờ thơ ơi nơi đâu?
tấm lòng nào mênh mang
đất lành nào chim ở lại
trong trí nhớ cuồng đau tôi
cả đàn chim bùng lửa cháy
sao từ tro than còn hiện hình về

thơ ơi
tôi biết
thơ phải bùng cháy cuồng điên…

thương sao tiếng hát đau thầm
nở sinh tự trái tim không nguôi lốc xoáy
(ơi trái tim –
chiếc tổ nhỏ nhoi
kết bằng bao lá cỏ nhuốm máu đặc đầy
lạnh buốt sương mù
lăn lóc trong trăm chiều gió thổi!)

trái tim trái tim nào biết tại sao…
ơi trái tim trên miền đất nắng gió bão bùng
xứ sở đẹp não nùng dữ dội

thơ ơi nào biết vì sao…
dù ở nơi đâu nơi đâu
thơ ơi chim ơi cũng hãy tìm về
hỡi những mảnh hồn bay lạc
hãy tìm về!
lắng yên rồi cơn cháy cuồng điên
đỏ rực niềm đau.

1985



HUẾ VÀ NGÀY SINH

kính tặng Mẹ và Huế

một hừng đông xám
dâng lên phía bên ngoài cửa thành

tháng mười một và cơn mưa dầm
miên man mỏi mệt
gió lùa thốc qua mặt đường lặng câm
cánh lá
lao đao
cắm vào bùn lầy hẻm vắng

tất cả nhoà sau cơn mưa phùn

người phu xe đứng ngã tư đường
không buồn ngước mắt
chân như gốc cây ướt rêu cắm chặt
vào mùa đông
thôi thì mặc gió mưa bão bùng
cây muôn đời muốn lặng

tháng mười một và cơn mưa dầm
mưa miên man mỏi mệt
mầm sống cựa mình và cơn đau thắt
người mẹ hoài thai trong nỗi đau thầm
nửa đời chưa nguôi nước mắt
lại sợ giật mình nghe tiếng khóc sơ sinh
ngày con làm người Đất nước chưa yên…

một hừng đông xám
dâng lên phía bên ngoài cửa thành

mầm sống cựa mình
bật khóc
chiếc lá nhỏ nhoi úa lạnh…

tiếng mưa xa xăm
rơi vào bóng tối
tiếng mưa thâm trầm
rơi buồn mái ngói
tiếng mưa bổi hổi
ướt đầm trong khăn

mẹ ru êm giấc ngủ con nồng
vành nôi ấm bàn tay của mẹ
ấm mảnh chăn ủ quanh thân bé…
và nhịp nôi đưa
từ hôm nay nghiêng về quá khứ
nhịp nôi đưa
từ xa xưa oà về gần gũi quá
nhịp nôi đưa
từ trái tim đập khẽ
bồi hồi
như thực như mơ

ba mươi năm trôi qua không ngờ
giông gió nào đã thổi qua đời người mẹ trẻ
cất giọng hát ru trong khuya sâu thẳm
dư âm gió giông trong hơi ngân và tiếng thở dài
nắng vàng mật ong vầng trăng con gái
sao vội tan nhoà trong mưa đêm nay

người mẹ ấy hiểu tháng năm cuộc đời
bằng kỉ niệm
bằng tiếng ru buồn không nguôi
nối cùng câu hát xa xưa, sờ vào còn ấm lửa
người mẹ ấy lớn lên giữa đời

ngờ đâu giọng ru hời
không buông bâng quơ trong khuya

ngờ đâu
không phải vô tâm, tiếng mưa rơi, bát ngát
quanh giấc ngủ trẻ thơ theo nhịp đưa nôi

chiếc nhau bám vào lòng mẹ
khi con nở sinh hình hài
chiếc nhau tan vào mặt đất
cho con đi đứng giữa đời
câu hát là dòng sữa ấm
chảy từ ngàn năm xa xôi

chú bé lớn dần trong tiếng mưa rơi
âm vang trong thành phố cổ
âm vang trong lòng mẹ
tiếng à ơi
bao quanh vành nôi

ơi hạt mưa rơi
giọt nước mắt
hãy thấm vào mặt đất
và qua đất
dưới nắng ấm sớm mai
thành giọt sương như mảnh trời vỡ nát
long lanh soi

hạt sương và ai
ra đời trên tay mẹ
rất diệu kì như đất

ơi cơn mưa
mưa đến mỏi mòn sớm mai tháng mười một
ơi cơn mưa
mưa tản mạn mênh manh bát ngát
nơi có trái tim bé nhỏ tinh khôi
mưa bật khóc…

bây giờ tóc mẹ đã bạc rồi
sao mẹ nhắc mãi tháng năm chia lìa tan tác ấy
hay khi mẹ nhìn vào vầng trán con
ở đó, còn nguyên những gì không phai nhạt nổi
trong đời người suốt cả đời người
hay khi con nói con cười
có nét nào của tiếng mưa xa xăm vọng lại
xui mẹ nhớ hoài…
và con đọc trong mắt mẹ, mẹ ơi
cả niềm u uẩn đằng sau lời kể ngậm ngùi mộc mạc
như lời ru tự bao giờ qua mẹ hát
chưa được sinh ra con đã thuộc rồi…

1984



THĂM ANH NƠI MIỀN XANH ẤY

kính tặng gia đình anh Thảo

biếc xanh chim hót vườn anh
xanh ngời cây lá như xanh nơi nào
nơi nào xanh tự ca dao
và vì rát bỏng gió lào nên xanh

quê xưa đất lửa hoa lành
mặc triều mặn ngọt cỏ thành lúa khoai
Nhĩ Trung xa lắc, đêm dài
còn nghe Cửa Việt sóng hoài vọng ru

đường lên ngỡ lạc vào thu
ngày đầu xuân rừng cao su lá vàng
từ ngỡ ngàng đến ngỡ ngàng
điều như lập hạ như soan tím cành

chuỗi hạt tiêu óng mượt xanh
bao cay đắng giữa vườn anh chín dần
mồ hôi nước mắt ứa tràn
đất đai thấu hết, dừa càng ngọt trong

bơ vơ đói khát long đong
dắt bồng xiêu giạt oằn cong lưng gầy
khó nghèo khổ nhục giăng đầy
… Đức Linh, Bến Kéo… nơi này, yên chưa!

Tây Ninh nắng mật vàng trưa
ơn miền đất lạ bốn mùa đan nhau
tạm vui, anh đã ngẩng đầu
dốc li rượu đế, trán nhàu, nhớ xưa

mười bảy năm rồi sầu trơ
nén nhang vô thức bây giờ toả hương
vườn xanh từ những buồn thương
và vì tủi cực cội nguồn mà xanh

Phước Minh dù vẫn mái tranh…
tìm đâu nấm mộ vô danh úa mòn
từng khuya, gió thoảng lạnh hồn…
đất lành lại chỗ núi non em nằm…

1992



ĐÔI KHI

tặng Phú với lòng quý trọng

đôi khi thơ tình của anh…
có bài em chưa tìm đọc
anh vẫn thấy trên màu đen mái tóc
cơ hồ một thoáng mây buồn?

hay em đã cảm thông rồi, em yêu thương?
người làm thơ phải chăng vậy đó
dù đánh giặc giảng bài đi cày đẵn gỗ
dù tuổi xanh tuổi vàng vẫn là người tình?

sao em không bảo anh còn lênh đênh?
sao chẳng ném những bài thơ kia ra bùn
hay vào lửa?
dường như trong em cũng chia thành hai nửa
càng cúi xuống vì thơ càng bay lên vì thơ?

sao em không nghi ngờ anh bao giờ?
hay chẳng ghen với cái bóng mơ hồ,
cái vô hình của gió?
dù anh hạnh phúc trong thơ,
dù trong thơ anh đau khổ
em hiểu giữa đời thực này,
ngoài em, còn ai đâu?

từ khi ta bước vào đời nhau
thi thoảng có đôi bài thơ tình như thế
để rồi bồi hồi phân vân quá thể
có phải anh vẫn là anh nhưng không chỉ là mình?

hay cũng chỉ bắt đầu từ em
cho anh vượt lên anh,
để cùng em biến thiên
với nhiều khuôn mặt khác?
cho anh ngỡ lòng mình bay lạc
để cuối cùng lại gặp chính em?

1990



LIÊN KHÚC BUỒN
TRONG MỘNG TƯỞNG

1

đường đê bên hàng cây
nắng vàng mơ màu phai
hoa xưa thì thầm nở
hương tình ơi, nơi đây
chim xưa về tìm tổ
trong làn mây xa bay
lao đao theo chiều gió…
tôi về em đâu hay

2

chầm chậm lục bình trôi
mát xanh dòng nước trôi
bướm trắng sầu nghiêng cánh
bay theo hoa, bồi hồi
nhớ sao màu mực tím
người xưa, lá thư xưa
tóc đôi bờ, nơ tím
thương nhau qua mấy mùa

3

đường đê bên hàng cây
nắng vàng mơ tàn phai
nhớ người xưa bóng nhỏ
mưa hoa tà áo bay
nhớ người xưa guốc nhỏ
trên đường đất nâu gầy
giờ xa rồi, cỏ úa
chim sầu mây đâu hay

4

mây hoài theo phương xa
non cao nào mây ghé
chim hoài trông phương xa
già nua đời quạnh quẽ
đêm mù sương mù sa
bay trầm ngâm lặng lẽ
ngày loà, nắng lập loà
soi dòng sông, rớt lệ

5

đường đê bên hàng cây
nắng vàng mơ, tàn phai
hai năm rồi, tơi tả
rách nát hồn sao thay
hai năm, mưa mòn đá
dấu tóc còn in vai
hai năm làm thú lạ
không quên được những ngày…

6

người đi, chiều vàng võ
người đi, sầu cho ai
cắn môi ta nín khóc
trợn trừng nhìn hai tay
vẫy cơ hồ đã chết
mắt khuya ứa lệ dài
ngất từng cơn mê mệt
mà người đâu có hay!

7

chầm chậm bên đường quê
sông tìm biển xuôi về
năm nào con ốc nhỏ
nằm yên lành lắng nghe
đời rì rào than thở
trời trắng cười hôn mê
hôm nay mòn rách vỏ
bỗng nghe chiều buốt tê

8

đường đê bên hàng cây
nắng vàng mơ, tàn phai
ngậm ngùi đưa từng bước
dòng sông thoảng thở dài
bóng nhoà lê phía trước
tôi còn tôi nơi đây
làm sao em biết được
lòng tôi chưa tàn phai.

1973



THĂM BẠN Ở PHAN THIẾT

tặng Võ Văn Tám (Võ Nguyên)

màu xanh Phan Thiết vàng óng nắng
mặn nồng ngọn gió thoáng và tươi
hai hôm ghé lại tìm thăm bạn
cọc cạch đèo nhau, phố, biển, đồi

Phan Thiết lần đầu ta ở lại
ngỡ đã thân quen tự thuở nào
bạn học, đã thấu lòng thuộc nết
ngẫm bao lận đận càng thương nhau

thương quá thằng bạn gầy đen cũ
đã vợ đã con áo đã lành
gặp nhau mừng tủi cười ngơ ngẩn
thoáng chốc, mười ba năm trôi nhanh

rủ nhau ngất ngưởng cùng Phan Thiết
bạn quen mắt cũng mới hẳn đi?
ta nói ta cười và muốn khóc
cuộc đời bỗng đẹp quá, đôi khi

đêm cuối chập chờn, khuya, tỉnh giấc
sớm sẽ rời xa, buồn bao nhiêu
bạn khẽ trở mình hay đã thức
ta trĩu niềm thơ thở chẳng đều.

1991



MÃI HOÀI CẦN THƠ,
VỚI TRÁI TIM THUỞ ĐÓ

cô gái Cần Thơ thoáng gặp bên đường
tóc thoảng hương trời óng mướt dễ thương
hai mươi tuổi giữa hoa và trái
giọng thảo nào ngọt mật ngời sương

cô gái Cần Thơ đêm về tôi nhớ
trong mơ đã nói yêu tôi
hồn cứ vậy hoài công mộng tưởng
cái đẹp hoá nàng thơ thấu hiểu lòng người?

cô gái Cần Thơ bên bờ sông Hậu
sông giàu phù sa tâm cũng giàu tình
tôi cằên cỗi khô khan cùng kiệt
say đắm em, sao khe khắt với mình?

tôi chẳng hiểu tôi được nữa
can cớ gì mặt cứ đăm chiêu
quá ảo vọng và quá nhiều thất vọng
nên một đời lảo đảo liêu xiêu?

tôi chẳng hiểu tôi được nữa
can cớ gì cứ mải làm thơ
phút chốc của đời, chuốc vào mình
thiên thu đọng lại
sống lắng sâu như thể ngu khờ!

thôi đành vậy, cô em Cần Thơ
trái tim lắm nỗi bất ngờ
từ ngẫu cảm em cười trong tụng khúc
thoáng ấy tuyệt với đâu nỡ hư vô.

1992



MÙA NGÔ
Ở VÙNG ĐẤT ẤM ÁP

1

tháng tư,
bắt đầu mùa mưa
giọt mưa rơi trên mái nhà
lăn vào lòng em câu hát
bắp ngô giống sáng ngời từng hạt
rơi vào gùi mây
âm thanh tháng tư

mưa tháng tư mưa tháng tư
cao nguyên cao nguyên đỏ thắm đến không ngờ
cơ hồ tình ca cao nguyên viết trên mặt đất
bàn tay ai làm tươi thêm triền dốc
dòng chữ màu xanh náo nức, bung ra

bung ra! bung ra! ơi mưa!
thắm thiết mùa ngô
giọt mưa trong ngần long lanh từng khoé lá
soi nụ cười hồn nhiên rạng rỡ
và đôi mắt ngoan lành lóng lánh ai ơi…

vào mùa rồi! vào mùa rồi!
ơi bồi hồi
náo nức
bung ra!
âm thanh tháng tư tháng tư…
và cô gái kia ơi, ai hát tình ca?
trên cao nguyên Huế mới mẻ không ngờ…

2

anh trở về giữa bát ngát mùa ngô
nghe tiếng lá bổng trầm sao trở thành điệu hát
(dòng suối nhỏ dạo này chảy xiết
ngày chủ nhật vội vàng, mong sao kịp tìm em!)

ấm áp sao xóm làng người đồng hương
giữa cao nguyên bao la vô cùng yêu dấu
nơi anh thầm trao nỗi nhớ
nơi anh lắng nghe xôn xao tiếng hát mùa màng

ơi bao vùng ngô đỏ thắm ba-dan!
sao làn điệu quê hương
gọi anh đến
bồi hồi trong tiếng lá
anh vẫn tìm ra em trong bao âm thanh
quen thân, bỡ ngỡ
(cho anh tìm ra anh trong khúc hát ông cha…)

xanh thắm mùa màng xanh thắm tình ca
anh bàng hoàng
giữa bát ngát mùa ngô
với tiếng lá bổng trầm long lanh đôi mắt
biết bao ấm áp quê nhà…

1979



CHÙM THƠ NHỎ

VƯỜN XANH TIẾNG CHIM – 1977

vườn xanh quen, sao bỡ ngỡ
bên nhau chẳng có ngày thường
tiếng chim chưa bao giờ cũ
mới hoài lời em yêu thương.

ĐÊM UỐNG RƯỢU Ở TRƯỜNG,
DẶN NHAU – 1982


một dĩa cải chua, vài con khô cá
chạy được chai rượu đầy, sẵn cái chén mẻ, cũng hay!
ba thằng giáo chuyền tay vầng trăng nứt
nhớ nước mắt đừng rơi, xin ấm góc trời này!

NỬA ĐÊM – 1982

tiếng dế ran góc nhà tuổi nhỏ
đánh thức tôi vào lúc nửa đêm
tôi tỉnh dậy biết mình không thể ngủ
mở cửa nhìn trăng đứng lặng bên thềm.

VỚI VAN GOGH – 1985

cuồng điên với nỗi yêu thương
một đời say đắm trên đường ngả nghiêng
cháy bơ vơ ngọn lửa thiêng
nét màu quằn quại không yên nghìn đời.

QUỸ ĐẠO NHỚ – 1992

ngỡ nghìn năm rồi thấy em
ơi vầng trăng thức ngày đêm trong đời
hiện rồi khuất, đầy và vơi
đi hoài lối nhớ, lẻ loi – giữa hồn.



NGÀY CON RA ĐỜI

tặng Phú và con

bây giờ, còn một mình anh với đêm
thắp lại mấy mẩu nến hồng sinh nhật
con đã chúm môi thổi tắt
để bước vào lứa tuổi lên ba

anh nhớ, ngày sắp được làm cha
em xanh mét trong cơn đau sinh nở
mướt mồ hôi quặn thắt nghẹn thở
níu chặt vai anh,
đi gần cả buổi sáng quanh phòng

bệnh viện nhỏ, ngày sắp hết năm
chỉ còn dăm người mặc blu màu trắng
khi đặt em trên ghế nằm,
anh ra ngoài đứng lặng
bồn chồn dưới trời bay mưa rét một mình

nắng hửng rồi, em vẫn chưa sinh!
chỉ tiếng em rên la,
lá xào xạc gió
chẳng cầm lòng,
anh bước vào,
nắm tay em tím từng ngón nhỏ
vuốt tóc rối cho em, cô hộ sinh dễ dãi mỉm cười

bóp nghiến tay anh, cơn đau xé thịt từng hồi
– gắng đi em,
gắng đi em,
ơi Người Mẹ –
anh kêu thầm, thương em, và hồi hộp quá
em cắn chặt môi, nước mắt chảy trào

con lọt lòng trên đôi tay dịu dàng khẽ nâng cao
anh reo lên,
ngẩn ngơ trước mừng vui,
diệu kì
máu huyết!
em bừng mắt khi nghe con khóc
rồi lịm đi trong sung sướng, buốt đau…

gửi em và con, anh bâng khuâng đi chôn nhau
choáng váng trước niềm thiêng liêng,
anh từ đó cơ hồ đổi khác
dù giặt tã, làm thơ ru con,
và có khi thơ thành khúc hát
lòng cứ lâng lâng trong mầu nhiệm đời thường

được làm mẹ làm cha,
đêm nay, càng thấm thía Yêu Thương
để có một con người
(dẫu tự phôi thai đã làm ra hạnh phúc…)
phải hai mươi năm sau…
hai mươi năm sau, vững vàng, cứng cáp
mới là ngày con thực sự ra đời.

1990



ĐÀ NẴNG, CHIỀU TIỄN BẠN

tặng bạn bè ở Tam Kỳ

chiều vàng nơi phương xa
lá vàng vây quanh nhà
mang mang sầu tiễn bạn
men mùa ngấm lòng ta

ngó mông lung ra đường
chiều rưng vệt tà dương
nắng vàng hiu hắt nhạt
gió lạnh luồn qua xương

loanh quanh chân bước đi…
– thăm nhau sao vội về
mùa đi còn bịn rịn
ngày đi còn bước lê

đường về đầy gió vui?
hiểu giùm nhau ngậm ngùi?
nơi đây đời cô độc
quanh quẩn tới rồi lui!

chiều dần tàn dần xa
lá vàng vây quanh nhà
gió đùn nơi cố xứ
ta gửi đi sầu ta

bạn về ta buồn thôi
nơi đây đá không lời
cỏ cây không biết nói
ta tâm sự cùng ai?

loanh quanh chân buồn đi
đi qua rồi đi về
ngó lên rồi ngó xuống
giữa phố ta rất quê

bạn bè xa nào hay
tình thân như khói bay
lùa mắt ta mọng đỏ
đọng vào hồn mờ cay

chiều vàng tàn phương xa
lá vàng vây quanh nhà
chôn chân ta quạnh quẽ
cây đứng chờ sương sa.

1973



CÕI NGƯỜI TA SẼ ĐẸP SAO

cho Bài Thơ và Nhân Văn

cơ hồ có trăng sao
và nắng hồng ở đó
cơ hồ thêm ngọn gió
thơ nâng hồn lên cao

thơ nâng con lên cao
hồn thơm theo hơi thở
mắt ôm choàng xứ sở
ơi lung linh nao nao

con yêu thơ biết bao
hiểu mình và thấy rõ
thơ lọc cho máu đỏ
như trái tim nhiệm mầu

nhìn sâu để bay cao
cho chất người rạng rỡ
vượt lên tầm đã có
xem sức mình đến đâu

bay cao bay bay cao
lòng mẹ cha nâng đỡ
thơ mênh mông cánh vỗ
cõi người ta đẹp sao!

1990



NGÔI NHÀ
CÓ CÂY THỊ THƠM VÀNG

tặng Nguyễn Tấn Sĩ và Xuân Đào, ngày cưới

đâu phải là tình cờ
phải không?

vượt qua tháng qua năm
qua rừng sâu sông dữ
vẫn nụ cười hiền ngoan
chờ anh, tươi trước ngõ
ơi ngõ hoa trong thơ yêu em…

đâu phải là tình cờ
khi em thành người vợ
như một thuở học trò
quanh gốc thị vẽ vời dòng thơ

quả thị ngày xưa
vàng ươm bàn học
từ nay, bên bàn anh viết
tóc em thơm suốt bốn mùa

hạnh phúc
đâu chỉ trong cổ tích
đâu chỉ là ước mơ!

cây thị trước sân nhà
mẹ cha trồng nuôi lớn
nắng đời ươm quả chín
hương thơm vào tình ta

vượt qua nắng qua mưa
qua rừng sâu sông dữ
hương thị thơm và thơ học trò
mơ hồ trong trí nhớ
đưa vào đời anh người yêu ngày xưa… (*).

1980

Cước chú bài “Ngôi nhà có cây thị thơm vàng”:
(*) Đây là một bài thơ tác giả (TXA.) nhập thân vào đối tượng hướng đến (NTS. & XĐ.), do đó, những đại từ phải được in bằng kiểu chữ khác với các chữ thơ bình thường trong bài (ở trường hợp này là in nghiêng).
(Chú thích ngày 04. 03. 2005)




VƯỜN THU TRƯA

trưa vàng thu, áo vàng bay
em đưa mộng tới vườn cây quanh nhà
cành trên chim bướm về qua
nắng hoàng hoa thoảng ngoài và trong anh

trưa tình thu, tóc tình xanh
đưa nhau đi giữa gió lành mây ngoan
tay măng che lá mưa vàng
lá mưa vàng lá mưa vàng, đầy hương

trưa mùa thu, hồn mùa thương
em đưa thơ tới cây vườn tàn phai
bướm ong nghiêng cánh nghiêng vai
phả vào anh thoáng nắng say mơ hồ.

1973



NGÀY TRẦM HƯƠNG THƠ CA

ngỡ vùi trong đắng hồn trơ đá
thắp hương thầm khấn, lạnh niềm thiêng
bâng khuâng cúng Tết cùng thiên hạ
hoa ngát nghìn đời oan Khuất Nguyên

tâm trăng sáng tứ thơ sao biếc
trí biển xanh tình nước rạng đông
vua ngu muội và quan xiểm nịnh
sạch, hoá dâm, biếm trích, long đong (*)

ông độc thoại nâng chung ngang trán
nước mắt đầm từng khúc Sở Từ
kế li gián thuở nào đã vậy
thả tự do sống vẫn rất tù

ngấm oan khốc hát buồn chia biệt
hồn xác tìm cõi đẹp mấy trời
sao khát vọng đổi đời đổi xứ
thương quê hương, để nước cuốn trôi?!

hai ngàn năm về cùng dân dã
giỗ ông thành đạo lí, niềm thơ
với máu thiêng nuôi hồn đất nước
phong tục kia lấp lánh không ngờ (**)

ngẫm chuyện ngày xưa nghe mẹ kể
vắng trưa nay tâm sự Thạch Sùng
duy dân, ánh mặt trời thẳng đứng
giờ của thơ, kẻ sĩ cô trung

đúng ngọ, ở nơi xa ruộng rú
cây nhà ai trổ lá Mùng Năm?
“phút linh, cầu…” (***) thảy đều thuốc quý
cứu đời, đừng lạc khỏi trần gian!

từng hạt nếp dầm tro cay xé
bánh luộc lên trong vắt thơm bùi
giống kê mọc đất sầu cằn cỗi
hương lừng từ cơ khổ ngậm ngùi

chạnh nhớ tuổi thơ bên trang sách
lông vịt năm màu toả mặt sông
Mịch La quặn sóng từng dòng chữ
chỉ se tưởng niệm thấu bao lòng

đứng sững sờ nhìn hương khói ngát
nỗi đau thành thánh tích vì đời
không hiển linh như là Chúa, Phật
khúc Li tao quá đỗi con người

tín ngưỡng ông, vọng hồn tiên tổ
mỗi nguồn cội có cõi vô bờ
triều đình nào tiếc thơ cương trực?!
giấu bài vị?! nhân dân tôn thờ

hai ngàn năm đã thời thế khác
bao nhà thơ khuất lấp nơi nào
cửa bật mở bung ra tám hướng
có lòng, còn lận đận, lao đao?

lạy tạ ông, kính dâng chén rượu
xin thi sĩ về giữa Mùng Năm
đâu bạn thơ chả tìm họp mặt
Ngày Tao đàn Dân dã (****), đừng câm!

như bùng lửa lư trầm thiên cổ
với nhân gian, bừng Tết Thơ ca
đau vạn nỗi xưa nay u uất
người là người giữa cõi người ta.

Tiết Đoan ngọ
1992

Cước chú bài “Ngày trầm hương thơ ca”:
(*) Một vài ý thơ rút từ “Li tao” và tiểu sử nhà thơ Khuất Nguyên.
(**) Tao Đàn – Lê Thánh Tôn. Nhà thơ – nhà vua này đã đặt tên cho hội thơ đậm đà tính nhân dân của mình, lấy từ sự tích Khuất Nguyên – tác giả “Li tao”.
(***) Thơ Hồ Dzếnh:
“phút linh, cầu mãi không về
phân vân giấy trắng chưa nề mực đen”
(Chú thích ngày 06. 03. 2005)
(****) Theo Phan Kế Bính (tác giả cuốn “Phong tục Việt Nam”, được viết dưới chế độ thực dân Pháp), người Việt chúng ta vẫn duy trì Tết Đoan ngọ nhưng rất ít người nhớ đến Khuất Nguyên. Theo sự quan sát của bản thân tôi, nhận thức đó là hoàn toàn chính xác. Tết Đoan ngọ (Tết Đoan dương) là một ngày lễ tết trong phong tục dân tộc, có thể trùng hợp với một nếp phong tục của người Hán – Hoa, hoặc có thể bị hình thành từ thời một ngàn năm Hán thuộc (thế kỉ I đến thế kỉ X). Dẫu sao, người Việt chúng ta cũng đã biến thành Tết Mồng năm tháng năm (gọi tắt, biến âm là Tết Mùng năm, sau vụ gặt hè thu), loại bỏ các yếu tố Hán – Hoa, và chỉ để tưởng nhớ tổ tiên, thăm viếng, tạ ơn (bên vợ, thầy giáo, thầy thuốc) mà thôi. Do đó, ý tưởng phục cổ, tưởng nhớ đến Khuất Nguyên là một hạn chế của tôi, tác giả bài thơ này, mặc dù ý thức duy trì, phát huy Tết Mùng năm theo tinh thần thuần Việt như trên, tự thấy là rất cần thiết.
Tết Mùng năm tuy là lễ tết quan trọng thứ hai sau Tết Nguyên đán, nhưng cũng rất gọn nhẹ (duy nhất một lễ cúng gia tiên vào chính ngọ và cũng duy nhất một bữa cỗ thịt vịt trong gia đình sau lễ cúng ấy).
Ba năm nay (2002 – 2005), Hội Nhà văn Việt Nam đã cách tân, sáng tạo mới, thành Ngày Hội thơ ca (không phân biệt dân dã và quan phương) vào mỗi rằm nguyên tiêu, tháng giêng âm lịch, sau Tết Nguyên đán. Và từ dăm thập niên nay, ở Miền Bắc rồi khắp cả nước ta đã có các ngày lễ tết theo tinh thần đó, tuy có ngày mang ý nghĩa quốc tế: Ngày Nhà giáo Việt Nam (nguyên là Ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo dân chủ, 20. 11); Ngày Phụ nữ Việt Nam (nguyên là Ngày Quốc tế Phụ nữ, 08. 03); Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27. 02, ngày Bác Hồ gửi thư cho ngành y tế Việt Nam).
Tinh thần và ý nghĩa 5 ngày lễ tết ấy đều hiện hữu và cô đọng tập trung trong ngày Tết Mùng năm tháng năm cổ truyền và truyền thống thuần Việt, loại trừ yếu tố Hán – Hoa, vốn đã thấm sâu vào nếp sống nhân dân ta, trên khắp mọi tỉnh thành, làng thôn.
(Chú thích ngày 04. 03. 2005)
.




KHÚC HÁT TÌM RỪNG

tặng Lê Phước Dạ Đăng (Lê Phước Sinh)

với chút tình em
mai ta lên núi
gập ghềnh cỏ dại
xoá dấu chân người
thơ rải đôi nơi
cùng sương khói đá
nhỡ mai nhớ quá
tìm đường thăm nhau

rừng sâu rừng sâu
sầu chi sâu thẳm
vượn hú nơi nao
lẻ loi rợn lạnh
ta ngồi cô quạnh
giữa núi rừng già!

rừng xa rừng xa
xa mờ năm tháng
sống nốt đời ta
giữa rừng sầu hận
và chút tình thơ
hoá niềm cay đắng
bàn tay khô khẳng
bên ngọn lửa bùng

hỡi ơi với rừng
ta thành đá tảng
câm nín nghìn năm
rưng rưng sương trắng!

cam đành quên lãng
sao còn thương nhau! (*).

1975

Cước chú bài “Khúc hát tìm rừng”:
(*) Xin xem chú thích về đại từ in khác kiểu chữ (in nghiêng) ở bài “Ngôi nhà có cây thị thơm vàng”, viết tặng Nguyễn Tấn Sĩ và Xuân Đào, ngày cưới.
Bài “Khúc hát tìm rừng” này, tôi cũng viết tặng theo dạng nhập thân (thường gọi là viết thay một cách tự nguyện), để chia sẻ tâm trạng của một bạn học cùng lớp, tên thật là Lê Phước Sinh, khi bạn ấy phải chia tay người yêu, toan trốn lên rừng ẩn cư vì lí do “chính kiến” ngây thơ…
(Chú thích ngày 05. 03. 2005)




THÊM MỘT LẦN
EM TOẢ NẮNG TRONG TÔI

vì tôi là kẻ thiếu đức tin
mang gương mặt buồn với tâm hồn phiêu đãng
bị va đập vào đời, trái tim bao lần
suýt vỡ ra, căm phẫn
và ảo vọng ngây ngô nên đã mất em

niềm xưa trở về giữa hoài niệm muộn phiền
day dứt, tiếc nuối
đời có khi tối thẳm bão bùng
tưởng chừng không bước nổi
em lại về trong thơ thầm thĩ vỗ về

bao nhiêu lần em hát cho tôi nghe
bài thánh ca về sự phục sinh và ơn cứu rỗi
tôi yêu lòng bao dung sáng trong
nhưng không hiểu tới…
ơi nốt nhạc tươi mầm, tiếng chuông toả nắng
hồn em

nửa đời cứ mãi hoài đi lạc bơ vơ
với khát vọng kiếm tìm
lòng nhút nhát lại hăng say giẫm lên gai góc
ngán ngẫm lối mòn nhưng chiếc đầu khờ ngốc
tôi lạc mất em, cuồng dại vật vờ

sợ hãi hư vô chạy trốn hư vô
hư vô trải rộng cả hồn tôi cỗi cằn hoang mạc
thơ khánh kiệt đi
vì đánh rơi chất thiêng liêng
của từng nốt nhạc
độ ngân cao vời của tiếng chuông tình em

hãy trở về trong tôi dịu ngọt êm đềm
đôi mắt chan chứa thương yêu một thời
xa thẳm
hãy phục sinh và cứu rỗi trái tim
nát tan cay đắng
cho tôi sống lại với đời!

như ngày xa xưa, em xoá mất em,
nhắc nhủ tôi gắng học nên người
(bấy giờ, với nỗi niềm cô đơn yêu em,
tôi đang thèm được chết)
lá thư nhiệm mầu bao năm còn rõ nét
dù đã tan đi, theo cát bụi xa mờ

người yêu dấu ơi, em là thánh thiêng,
cho tôi ngưỡng vọng vô bờ
cảm ơn em đã lấy tên tôi,
đặt cho đứa con đầu lòng
của vợ chồng em sinh ra nơi hẻm tối
nhớ trưa nào, ta nhìn nhau cười,
nước mắt trào nóng hổi
em trong hạnh phúc buồn, tôi xiêu lạc
cuồng mê

người yêu dấu ơi, trong tôi em hãy trở về
giấc hoài niệm nâng lòng thôi khắc khoải
tha thứ cho tôi phút giây điên dại:
chưa thể xứng đáng cùng em!
chia xa em! lao tới muôn trùng…

tha thứ cho tôi, một số phận điên khùng
đã bớt ngu si, sao linh hồn lạc loài,
cháy khát chất thơ, cứ mãi ruổi tìm, gom nhặt
bài thánh ca và mái tóc em vẫn suối nguồn toả ngát
suốt đời tôi, khi chiều xuống trên đường (*).

1992

Cước chú bài “Thêm một lần em toả nắng trong tôi”:
(*) Xin xem thêm: tiểu thuyết “Mùa hè bên sông” (gồm cả phần biên khảo phụ lục), bản 2003. Trong đó, một nhân vật hư cấu của tôi có nói, đại để: Thiên Chúa giáo vừa là thiên thần vừa là ác quỷ. Khi chỉ thuần là tôn giáo, nó giúp cho tín đồ sống tốt hơn về mặt đức hạnh cá nhân (chỉ đáng trách ý thức sùng bái cá nhân Chúa và giáo hội là quá tệ hại đến mức nô lệ!). Nhưng khi kết hợp với mưu đồ thực dân, xâm lược của chủ nghĩa đế quốc, nó trở thành “tả đạo”, ác quỷ hơn mọi thứ ác quỷ. Tính chất ác quỷ ấy còn thể hiện ở việc tranh chiếm quyền lực chính trị tại các nước độc lập, thuộc khối đang phát triển, vốn có sự hiện hữu của lực lượng Thiên Chúa giáo. Ngay ở các nước Âu Mỹ, tình hình “tả đạo” tranh giành quyền lực chính trị cũng thế.
Tôi thấy nhân vật của tôi có lí khi nói vậy.
Các tín đồ, đại đa số là tốt đẹp ở mức bình thường, nhưng luôn bị lợi dụng vào các mưu đồ đen tối và bẩn thỉu này.
Bài thơ trên chỉ thể hiện tình yêu bi kịch giữa nhân vật em, một nữ tín đồ Thiên Chúa giáo vô tội, với một người có đầu óc duy lí (thiếu đức tin tôn giáo) nhưng khiêm tốn (đến mức tự cho mình khờ ngốc!), và luôn luyến tiếc hình bóng kỉ niệm, là nhân vật tôi.
(Chú thích ngày 05. 03. 2005).




BÀI THƠ
GỬI NGƯỜI BẠN LÁNG GIỀNG

cô hàng xóm chiều nay vui vui
nắng xôn xao mắt cười hồn hậu
dây tóc tiên lay lay bờ giậu
chia cho tôi một ít nôn nao

em vui mà không nói gì sao
ló đầu qua khoe rồi trốn mất
(đôi mắt lánh đen, đọng nắng vàng trong vắt
chảy vào tôi dòng thơ hân hoan)

xin mừng em sắp là công nhân
sớm mai đạp xe lên nhà máy
(nhớ làm thêm cho tôi nữa đấy
đã có em trong mỗi việc tôi làm!)

vườn rất xanh, trời rất xanh
sâu thẳm mênh mang niềm vui không nói
(nhạt phai rồi một thời bóng tối?)
tôi đọc trong mắt em niềm bâng khuâng…

1976



TỰ TRẤN AN
TRONG ĐÊM VỀ PHÉP

xa nhà mấy năm trời
ngẩn ngơ con đường nhỏ
cây em trồng ngày đó
xanh tốt đến không ngờ

ôi tóc mẹ bạc phơ
vẫn nắng chiều óng ánh
sờ tóc mình đen nhánh
có sợi cằn đang rơi!

ngẩng mặt nhìn đất trời
xấu hổ cùng cây cỏ
trước tuổi già đời mẹ
con vẫn chưa nên người!

một thoáng gió thở dài
giữa rừng khuya mưa lũ
để bây giờ, mẹ ơi
xoáy lòng con, bão tố

đêm, bên bàn học cũ
giọt lệ ngời gương soi (*)
từ mắt con nóng hổi
hạt bụi nào tan, trôi…

tóc mẹ trắng chân trời
sáng cho con tầm mắt
con đường quê êm mát
cũng chỉ đường về thôi!

con hiểu rồi, mẹ ơi
tháng, năm như ghềnh, thác!
lòng vẫn trong mạch nước
từ nguồn đến biển khơi?

1981


Cước chú bài “Tự trấn an trong đêm về phép”:
(*) Nguyên văn đã in trong tuyển tập thơ Như anh em một nhà, Sở Văn hoá – Thông tin, Lâm Đồng, 1981: “Ảnh Bác ngời gương soi”. Khác với sự biên tập (vì khuôn khổ hạn định chỉ 64 tr.) mà tôi phải tuân theo ở tập Nắng và Mưa, trong bản in 1992 này, tôi chữa lại như trên, theo câu ca dao “sự đời nước mắt soi gương”, với ý nghĩa riêng, phù hợp với tứ thơ.
Nếu hình ảnh Bác Hồ trong thời kháng chiến, đặt trong phòng riêng thuở sinh viên, là tấm gương về nghị lực, thì “giọt lệ” trong ngữ cảnh trên, thích hợp với tâm trạng tự vấn trước sự thách thức bởi hoàn cảnh cam go, sự dao động ý chí của nhân vật chủ thể trữ tình hơn. Một, tấm gương sáng để noi theo; hai, ý thức tự vấn để quyết tâm khắc phục khó khăn, trở lực. Hai hình ảnh đều có giá trị tư tưởng hướng đến chân thiện mĩ. Tuy vậy, cũng có thể phối hợp lại, “giọt lệ ngời gương soi” sẽ tạo nghĩa thứ ba: tấm gương sáng để noi theo phản ánh vào giọt lệ tự vấn của bản thân.
(Chú thích ngày 05. 03. 2005).




SƯƠNG SỚM MAI

tặng bạn bè ở Đức Trọng và Đà Lạt

hồ như đang trôi về núi đồi cõi ấy
hay cao nguyên bay về quê tôi
hừng đông sương mù
thơ lãng đãng bạn bè lãng đãng
tay ôm đàn, tìm nhau, hồ như…

hồ như mùa xuân hồ như mùa thu
sương lấp trắng đất trời năm tháng
nhưng tự bao giờ em về với nắng
từ sương mờ rét buốt tâm tư?

và hoa, hoa lanh lanh dịu sáng
cà phê, hương bay vào thực vào hư
ta có nhau trong vòng tay bè bạn
hồ như, mãi còn nguyên nồng ấm, cho dù…

1991



CƠN BÃO VÀ CÂY SẦU ĐÔNG

mưa bão xoáy điên cuồng trên vùng đất lửa
cây sầu đông cây sầu đông
cây sầu đông bên thêm gạch vỡ
ngã xuống nơi mình đã toả bóng xanh

sầu đông sầu đông
mưa bão chạm tận cùng cội rễ
nhánh rễ nào còn bám chặt đất thiêng lòng mẹ
sẽ còn vươn chồi biếc giữa quê hương

sức sống lạ lùng bền bĩ
tự định nghĩa chính mình
từ nhánh rễ đến từng hạt quả
đâu chỉ bằng một thoáng hương thơm

từ nhánh rễ kia cây mới lại mình.

1985



BƯỚM TRẮNG

tặng Nguyễn Ngọc Khôi và Vân Anh

nàng thơ một thuở xa vời
áo mơ trắng lụa bao người thơ mơ
sách khuya cũng trắng đôi bờ
phiến thư trắng mỏng cứ ngờ bướm xưa (*)

bướm bay là nắng hay mưa
tôi vừa giông bão lại vừa khát khô
bạn bè dăm đứa ngẩn ngơ
áo nàng bay trắng niềm thơ trắng hồn

áo trắng bay, lụa trắng vờn
cải ngồng vàng nở chập chờn giấc mơ
trôi theo lời giảng thầy cô (**)
đến cùng cõi thực, cõi vô, trong mình

nàng thơ vẫn cười tươi xinh
ngoại ô bùn bụi – đường tình riêng tôi!
bông bụt vào thơ bạn rồi
trống trường ran ngực tôi ngồi nát tan

chút tình bướm trắng mang mang
mưa nhoà se sắt nắng loang ngậm ngùi
tàn phai, chết những ngày vui
tôi vùi vào sách tôi vùi vào thơ

niềm đau trẻ dại không ngờ
đưa tôi thấu vạn bến bờ trong tôi
cũng hồn bướm trắng ấy thôi
đẹp muôn ngày tháng chân trời xa xăm…

lắng sâu gần hai mươi năm
lòng tôi hồ điệp thoảng trầm vô vi
là người là bướm từng khi
vượt qua núi vực, lại đi, tâm nhàn

trở vào phố thị, gặp nàng
bạn bè lớp cũ ngỡ ngàng bướm xưa
nắng ướt đầm giữa chiều mưa
xe quà, ổi chát, me chua, lề đường!

đâu tà áo lụa mây sương
nụ cười trong cõi vô thường, bâng khuâng
chắt chiu tiền vụn nhàu nhăn
nuôi con đi học bao năm với đời

vẫn bươm bướm trắng lưng trời
mộng thường, úa trắng, trắng đôi tay gầy
bạn bè tìm lại nhau đây
ơn nàng giữ được trắng bay mảnh hồn.

1992

Cước chú bài “Bướm trắng”:
(*) Hình tượng “bướm”, “bướm trắng” của Trang Tử, Nhất Linh, Nguyễn Bính.
(**) Đây là một loại tình yêu tuổi học trò trung học đệ nhị cấp (cấp III hoặc phổ thông trung học) ngày ấy. Loại tình yêu hoàn toàn mộng ảo này thật trong trắng, mở ra những chiều kích tâm hồn, nhưng đồng thời cũng gây tác hại không ít trong vấn đề học tập.




BÊN SÔNG

thơ xưa bát ngát ánh trăng
nâng lòng như nước triều dâng, đọng vào
dòng sông vàng ánh ca dao
bóng cô tát nước in vào, sáng thêm

ai ngồi đây giữa trời đêm
dòng sông lai láng nỗi niềm của trăng

trách chi gàu nước bên đàng
khéo vô tâm để bâng khuâng muôn đời
trách chi trăng cổ cao vời
khéo mênh mang để lòng người thênh thang

ai ngồi đây đẫm ánh trăng
bờ vai ướt sáng cả bàn tay ai!

1985



NIỀM VUI

có gì đâu em
mình tìm đến nhau như một điều rất lạ
mãi hoài vẫn còn bỡ ngỡ
dẫu tự bao giờ vẫn ở trong nhau

anh đã vượt qua từ lâu
cơn xoáy lốc
ngậm buồn với nỗi sầu thơ
bao ngọn sóng ập ào thời mới lớn
đã vượt qua tháng năm (ôi tuổi thanh niên!)
sững sờ
mừng vui
với niềm tin yêu vô cùng lãng mạn
qua rồi thời hụt hẫng
vỡ tan, phẫn nộ, cuồng điên

có gì đâu em
không lẽ đời người như con ốc vặn mình
trong tháp khổ đau một đời tự hỏi
vật vờ giữa lòng biển tối
một hôm nào rỗng trơ bên bờ nguôi quên?

không, không có gì đâu em
khi em nhẫn nại lặng thầm như ngọn gió
em thổi vào lòng anh
– con ốc nhỏ bơ vơ – lên tiếng hú
tiếng hú gọi người, tiếng hú yêu thương,
cho trẻ thơ ngơ ngác kiếm tìm

không, không có gì đâu em
con ốc kia lại âm vang tiếng đời khi có gió
ta vui mừng làm đồ chơi cho con
một thời tuổi nhỏ
con áp vào tai
sẽ nghe tiếng vọng chúng mình

không, không có gì ngoài niềm vui đâu em
âm thanh từ con ốc kia, may chăng,
mai sau sẽ làm cho con nhẹ nhàng phần số
bao đắng cay ta gánh chịu hết rồi?

không, không có gì ngoài niềm vui, em ơi.

1985



BA HÁT VÀ CON RU

bây giờ ba làm thơ
ước gì ba có thể
sống lại thời tấm bé
để nô đùa cùng con
như mấy chú chim non

thơ có là phép lạ
là hạnh phúc cho người
cho con còn tất cả
tiếng nội ru, à ơi…
ngọn nắng vàng, xa xôi…

cho ba còn tất cả
kỉ niệm hoà ước mơ
mơ đẹp hơn ngày xưa
và cho con tất cả
trong và ngoài lời thơ

bây giờ ba làm thơ
thơ yêu thương con nhé
ba hát và con ru
tuổi hồng con sướng thế
có bao nhiêu là thơ!

1989



HOA QUỲ VÀNG

hoà lẫn với đồi nương
dọc đường dài mưa nắng
ơi cây lá và màu xanh thầm lặng
chợt bủa quanh tôi nghìn đóa quỳ vàng

hoa quỳ vàng!
hoa quỳ vàng!

bao năm rồi cứ tưởng
thấm tan vào cao nguyên
ngờ đâu bao năm sống
mới hiểu mình vô tâm!

hoa quỳ vàng! hoa quỳ vàng!
nghìn mặt trời chói chang trong đêm

hoa quỳ vàng! hoa quỳ vàng!
day lòng tôi không yên…

1981



NHỚ NHÀ

chừng mươi hôm nữa ta về thăm
sao trong đêm ai gọi thâm trầm
nghe vẳng đâu tiếng trẻ con khóc
mưa, mưa khuya, phố ướt, đèn câm

chừng mươi hôm nữa, rất thoáng chốc
sạn chai lớp lớp giữa tâm hồn
bà có cháu, con ta có mẹ
thì can chi gan ruột bồn chồn!

chừng mươi hôm nữa, mươi hôm nữa…
phương nam, mưa rào rạt, cháy lòng
càng ngấm chút tình quê rả rích
ta già đi, ta bồng bột, chờ, trông…

1991



NỤ CƯỜI TÌM GẶP

ngoảnh trước và nhìn sau
phận đời như thoáng gió
mới trông trời mưa mau
thoắt nắng vàng ngoài

có đôi điều để nhớ
dăm nỗi niềm để quên
giữ nụ cười nho nhỏ
nở lặng thầm lặng yên

ôi nụ cười an nhiên
nửa đời tôi mới gặp
rã rời tay với tìm
ngờ đâu ngay giữa ngực

có gì đâu, mái tóc
bạc phai dần: thời gian
có gì đâu, khúc hát
vang thì thầm: trái tim.

1982



ĐÊM NGỦ TRÊN HIÊN

1

sương bay trên hiên nhà?
bên ngoài chân ai qua?
chợt hé sơ đôi mắt
ô hay! trăng vội tà
cây chao mình ngân nga
sương vàng rơi trên mặt

2

ta quên đi sầu ta
ta quên ta hôm qua
bạn sao chưa tỉnh giấc
dậy thôi, trông mù sa
khoả đời chìm huyễn hoặc
hư không vang xao xác.

1973



NGÀY ẤY, ĐÁ MỒ CÔI

quay lưng với ráng chiều phai
bóng cây mờ nhạt loang dài mờ tan
có nhìn đâu phía lụn tàn
người đi phương ấy trăng vàng và cao
và mây và gió vẫy chào
và bàn tay đợi đặt vào bàn tay
một ai một góc buồn này
nắng bùng và tắt, đêm dày và đen
tiếng cười khô khốc bật lên
bật lên trầm thống cái tên rất lành
một ai bước bước bước nhanh
bước xiêu vẹo bước quẩn quanh bước về
một ai rủ xuống bên hè
người ơi người ở đừng về đừng đi
một ai khẽ hát thầm thì
hỡi ơi hạnh phúc là gì người ơi
người đi về phía của người
một ai hoá đá mồ côi, cũng buồn…
nghìn đêm đặc quánh mù sương
đá lặng trơ giữa bình thường từ xưa.

1992



GẶP NHAU

kính tặng anh Hà Linh Chi

rất lâu mới gặp nhau
cánh tay như sóng biển
trên vai tôi, sóng choàng
tôi như hòn đảo nhỏ
đứng lặng trong nỗi mừng

rất lâu mới gặp nhau
chén rượu chiều sóng sánh
bài thơ “chiều củi rụng” đập vào vách đá im
nước mắt tràn trong đêm

rất lâu mới gặp nhau
cười đó rồi khóc đó
có khóc thì khóc thầm
có cười thì cười vỡ
sóng vỗ bờ đảo xanh

rất lâu mới gặp nhau
rượu cuồng đêm tâm sự
sáng ra còn làm, ăn
sóng còn ru đời nữa
đảo còn vui chim muông

rất lâu mới gặp nhau
để biển thêm tiếng sóng
đảo xanh vì mai sau
biết thế nào mà hẹn
tóc còn xanh trên đầu…

1982


Cước chú bài “Gặp nhau”:
(*) Xin xem bài “Nỗi mong của người lượm củi” của Hà Linh Chi, trong tập thơ riêng “Lời đá”, Nxb. Văn Nghệ TP. HCM. & Hội Văn nghệ Lâm Đồng, 1995.
(Chú thích ngày 07. 03. 2005).




NGHĨ VỀ NGƯỜI NGHỆ SĨ
VÀ TIẾNG ĐÀN TÀI HOA THUỞ ẤY

người yêu, ta xấu với người
yêu nhau thì lại bằng mười phụ nhau (*)
(Nguyễn Du)


giá như Kiều có một đứa con
chắc hẳn tâm hồn chúng mình bây giờ đã khác
khúc đoạn trường thêm ánh nắng
lẫn đầm đìa nước mắt
hay trong veo tiếng cười trẻ thơ
xanh ngát đất trời?

giữa tiệc đoàn viên Kiều vẫn lẻ loi
tiếng đàn cất lên niềm vui gượng gạo
được làm mẹ, lòng nguôi đi giông bão
nhưng nỗi đoạn trường cô đơn
vẫn đeo đẳng trọn đời!

tanh tưởi luật Tú Bà đâu cho nàng làm người
độc ác cũng thành thói quen xót xa?!
và mơ ước vẹn nguyên với tình đầu đau đớn
ngấm bỏng vô thức, hằn lên vết gợn?
hay số phận đoạ đày trêu ngươi?

đã tan nát cả rồi
dù sao, chiếc thoa ngày xưa cũng chỉ là kỉ vật
nỗi buồn tủi tuổi già cút côi
là lũ dâng đêm đêm tràn ngập
dù sao, nàng vẫn chìm chết đau thương
giữa biển khổ trập trùng!

giá như Kiều có một đứa con. Dẫu con nàng
lớn lên càng thấm thía nỗi bão bùng
đau niềm oan khốc của cõi đời máu ứa
sẽ thương mẹ hơn, thương kiếp người giẫy giụa
Kiều sống với thẳm sâu tiếng đàn,
với tình yêu thương chăm chút cho con

hay chốn bể dâu này đã nhân ái hơn
khi tức tưởi cái kết thúc đoạn trường dường như
chưa là có hậu
thì trách gì nhà thơ. Trách cuộc đời
cứ mãi hoài chảy máu
từ những tật nguyền, những vết thương
không lành lặn bao giờ!

1992


Cước chú bài “Nghĩ về người nghệ sĩ và tiếng đàn tài hoa thuở ấy”:
(*) “Truyện Kiều”, hai câu 3157 – 3158 (Chú thích, 05. 3. 2005).




DÒNG SÔNG CHIỀU

xanh trong thăm thẳm là Hương
nguồn thơ ca chảy với nguồn mây bay

“ngang trời một lưỡi gươm dài” (*)
còn in vào thép tháng ngày máu loang…
dòng sông – khúc hát dân gian (**)
lắng niềm đau nỗi buồn thầm mà trong

dòng sông dòng sông dòng sông
ngợp mắt tôi cúi xuống lòng, không yên…

dòng sông dòng sông uy nghiêm
lương tâm là lưỡi gươm thiêng sáng loà
dòng sông trĩu khúc dân ca
lương tâm là tiếng ơi à bên nôi

dòng sông bây giờ Huế ơi
thâm trầm tiếng gọi như lời lương tâm

nguồn sông – hai cánh tay trần (***)
vươn từ sâu thẳm nâng tầm Huế lên…
dòng sông – khát vọng thanh niên
chiều nay chảy thẳng vào tim, bàng hoàng…

1982

Cước chú bài “Dòng sông chiều”:
(*) Thơ Cao Bá Quát. Ở đây, tác giả hoàn toàn thông cảm và chia sẻ với nhà thơ thiên tài, nổi loạn này, khi ông nhìn dòng sông Hương của kinh đô Huế với khí phách như vậy.
(**) Tác giả chỉ hoàn toàn tán thành những khúc ca dân gian phản ánh hiện thực trong nhân dân, gồm những gì chính nhân dân trải qua. Nhưng tác giả không thể xem nhất loạt kiến thức dân gian (y học, lịch sử…) là hoàn toàn chính xác. Xin phân biệt tình cảm, nguyện vọng nhân dân với kiến thức dân gian. Ở đây, tứ thơ chỉ tập trung xoáy vào khát vọng cao đẹp, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, sự bất bình của nhân dân trước những tệ hại của quan lại như thói quan liêu, đối xử bất bình đẳng, tham ô, nhũng nhiễu (thời nào cũng có tuy với mức độ khác nhau).
(Chú thích ngày 06. 03. 2005)
(***) Thượng nguồn sông Hương gồm hai nhánh sông, nên có đoạn được gọi là sông Hai Nhánh.
(Chú thích ngày 07.03. 2005).




NÚI XANH TIẾNG HÚ,
TỰ TRÀO

từ độ trông vời mây trắng nhẹ
sương khói vào thơ thấu kiếp người
lắng niềm lâm lụy lòng hương toả…
mặt mày vẫn vắng bặt nụ cười

dạo nọ rủ nhau về núi biếc
trải nỗi sầu giữa nắng gió phơi
gối đá nghe hoa và cỏ hát…
khi không, hú vọng nhớ thương đời

núi tịnh núi hồn nhiên núi thoáng
chiều hôm trăng sáng xuống cùng ta
sao bềnh bồng nâng hồn bảng lảng…
hốt nhiên, hú vọng cõi ta bà!

1992



CHÙM THƠ NHỎ

GIỌT LỆ CỦA MẸ
TRONG NHỮNG NGÀY CON BỆNH – 1988


hạt sương rơi tự bốn phía đất trời
đất trời đọng vào hạt sương nhỏ bé
ôi nước mắt nước mắt không chỉ thế
khi nhìn con từ lòng mẹ trào ra…

HUẾ VÀ TRẦM CẢM – 1987

là dòng nước mắt đó thôi
từ hai nguồn chảy về môi hé cười
Huế ơi Huế ơi Huế ơi
trong tôi gương mặt của người đó sao?

TIẾNG CHIM MÙA MỚI – 1984

lắng nhìn sâu sau tiếng nói dịu dàng
anh thấy cả tâm hồn em thênh thang
đằm thắm
thôi qua rồi bao gió giông bao khoảng trời
chơi vơi hụt hẫng
xin sà xuống đời anh
lảnh lót tiếng ca xanh…

MƯA SỚM MAI – 1977

mưa, mưa phùn, bên khung cửa chồi non!
mưa bối rối suốt sớm mai khói biếc
ai nhớ ai, ai nhớ ai, sao tiếng hát
ai? thức khẽ trong lòng, cả mùa xuân xa xăm…

LỘC MỚI GIAO THỪA – 1989

cành hoa giấy mùa mưa ai chặt
thì xin về trồng ở hè nhà
đợi lá cũ rơi dần thành đất
bâng khuâng chờ lộc mới vươn ra

đón giao thừa, ngồi với cụm hoa
hoa càng hoa trong khói sương nhoà
hoa mới lại đất trời quá cũ
mới nụ cười trầm tĩnh trong ta.



VỀ LÀNG QUÊ
TÌM BẠN THƠ

những mảng bèo khoả ven mặt sông
đàn vịt bầu bơi lội thong dong
và cánh đồng xanh ngắt
và lò gạch đỏ hồng

làng quê ơi đã hiện dân trước mắt
nhưng vẻ bên ngoài kia
sao chẳng đủ yên lòng!

tôi đi chậm trên đường làng râm mát
tìm bạn thơ
bạn có ở nhà không?

tôi tìm đọc những bài ca từ ruộng đất
thấm đẫm mồ hôi nước mắt chảy ròng
bạn có ở nhà không?

ước chi chiều nay tình cờ tôi gặp
bao bà con tìm đến bạn trải lòng
ơi người thơ của làng mạc ruộng đồng
bạn có ở nhà không? (*).

1990

Cước chú bài “Về làng quê tìm bạn thơ”:
(*) Bài thơ này vốn được viết để tặng Võ Văn Luyến, nhưng vì ngại là sẽ gây khó khăn cho bạn, và cũng vì lí do kĩ thuật khi in ấn, nên bị sót mất dòng đề tặng.
(Chú thích ngày 06. 03. 2005)




NGUYÊN NGÂN

chim bay trên ngàn cao
ta ngước mắt trông lên buồn xa xứ
đồng lúa chiều phai hương rồi sao
chim ơi, nghe tình đau ngàn dặm lữ

bay đi thôi nghe chưa chim
ta năm đây suối lạnh im lìm
đồng quê đồng quê vàng lúa nhớ
làn phai sao, ta trôi buồn tênh

Nguyên Ngân Nguyên Ngân vai hương trầm
mái tóc xưa ta say màu trăng
ta hôn lên bằng hơi sương gió
nên thiên thu cứ ngát tình câm

chiếc nón ngà trên vai Nguyên Ngân
vầng trăng xưa che nghiêng thì thầm
và nhà em ngát trăng đồng nội
nên lòng ta lồng lộng vô ngần

loanh quanh chim bay rừng vạn cổ
bỏ không lồng ngực mưa ngàn dâng
trôi ta, trôi đi, về châu thổ
hương tàn phai lá mục đầy lòng

chim bay cánh nhỏ giữa hư không
tình xưa ơi mây giạt bềnh bồng
chim nghe tê buốt chiều không nắng
rụng xuống dòng đau hoe nhớ mong

suối trôi suối trôi về vai Ngân
(suối tóc ngày xưa sao ngại ngần)
trăng ơi cóng lạnh tan thành nước
phủ ngập Ngân phủ ngập mênh mang.

1973



BAN MAI CÕI LẠ

kính tặng nhà thơ Bùi Giáng
và anh Đỗ Tư Nghĩa (Đà Lạt)


ngõ sâu
trong cõi người ta
vườn mưa
lều trống
bóng nhà thơ đâu
cào cào châu chấu ngậm sầu
cỏ xanh xanh
rợn trắng lau phương nào
phiêu bồng bước thấp bước cao
ngao du xứ mộng lạc vào trần ai

Á Đông cánh bướm chớp hoài
như không như có hình hài trăm năm
trời Tây buốt lạnh căm căm
nghe từ sa mạc vọng thầm niềm thơ

lắng hồn tri âm bao giờ
đến bao giờ vẫn bất ngờ, thơ ơi

mưa nguồn rớt hột một đời
dấu chân, bờ lúa…
rụng rời, rã riêng
ai bưng mặt khóc bạn hiền
rưng rưng hoa gạo bên hiên khốn cùng
giờ nghêu ngao với mông lung
cỏ leo lều rách, ố mùng, chiếu xơ!

anh cùng tôi tìm nhà thơ
vấp chân
choáng nỗi hư vô
giật mình
long lanh từng phiến tài tình
tứ thơ cuồng phóng lung linh muôn trùng
tay hữu hạn chạm vô cùng
tiêu dao thân phận bão bùng xưa sau

lều vắng
người rong chơi đâu
vườn mưa
hạt đọng
óng màu nắng mai.

1992



BÀU VỊT VÀ ÁNH TRĂNG

tặng Võ Văn Luyến
và những người anh đồng hương, cùng bạn bè Quảng Trị


bên bờ bàu Vịt tưởng như tù đọng này
các anh ngồi quanh chai rượu
ngâm thơ và hát
trên cành tre
trăng trong veo tưởng như huyền hoặc
trăng nghìn năm dân dã cao vời

bên bờ bàu Vịt bên bờ bàu Vịt
tưởng như mãi hoài câm nín tàn rơi
rượu ngấm vào lòng
thơ bừng lên từng tạng chất
thơ xanh tóc và thơ bạc tóc
nhạc tỉnh người và nhạc đắm say

bên bờ bàu Vịt bên bờ bàu Vịt
tưởng như tù đọng này
những mảnh đời
tưởng như chìm trong nỗi áo cơm
nỗi gỉ mòn
tận đáy
với tín ngưỡng thơ với tín ngưỡng thơ
ôi cõi miền thẳm sâu kì diệu ấy
nên vẫn rất người
giữa đời thường nhàm nhạt tháng ngày

bên bờ bàu Vịt bên bờ bàu Vịt
tưởng như tù đọng đến quẫn trí này
ta nhìn ra nhau – trăng bâng khuâng đáy mắt
những tấm lòng hoá khoáng đạt chân trời
nhạc và thơ mở ra lối thoát
cùng Thạch Hãn qua bao xóm làng
ra tận biển khơi
và mây xa khơi lại trở về
trong bầu nước ngời trăng dân dã.

1991



KHỐI TÌNH

ngày xưa có anh Trương Chi
người thì thậm xấu hát thì thậm hay
(cổ tích)


đêm đêm, ai hát trên sông
cho ai cháy buốt tấm lòng, tương tư…

vào dinh, như giữa ngục tù
giọng anh đánh cá âm u rã rời
về cùng bát ngát nước trời
trĩu thêm ngực ấy, chói ngời nỗi đau

vút lên, chơi vơi, lắng sâu
môi nào bật máu mắt nào máu tuôn

kết khối ngọc gốc đa buồn
để ai ngây dại điên cuồng tìm ai
tìm đâu? gió rộng, sông dài…
– trái tim xoáy đất, nhẹ bay đến nàng

làm chén ngọc nơi lầu vàng
giọng câm
bóng vỡ
hồn chàng lại đi

cảm thông thành mối tình si
(mấy ai quyền quý hiểu gì dân gian!)
khát khao tiếng hát thênh thang
nhưng Mỵ ơi, đã hiểu chàng hết đâu!

đến bây giờ, ngàn năm sau
còn bao người kể khác nhau chuyện này (*)
tôi mơ hồ nghe đâu đây
xa mờ thăm thẳm tháng ngày mờ xa…

1991

Cước chú bài “Khối tình”:
(*) Theo trào lưu sáng tạo lại huyền thoại, cổ tích, như vở “Tiếng hát” của Phan Kim Thịnh
.



PHƯƠNG NAM VỚI BẠN
BỖNG DƯNG KHẨU KHÍ TẾT

thôi thì chờ đến năm sau
hẵng về với biển xanh sâu nước, trời
tạm ngồi đây giữa rừng người
cụng li dăm cái cho đời sóng chao
bồng bềnh quên hết lao đao
lênh đênh lãng đãng phiền nào cũng xa
rồi ta gối giấc lên ta
tình thân là biển bao la giữa đời!
nhớ niềm bát ngát không nguôi
Tết quanh quẩn phố, tiếng cười thênh thênh
xuân lênh đênh xuân bồng bềnh
tình thân là biển mông mênh ở đời!
càn khôn tuý luý chơi vơi
trong li rượu nhỏ, trùng khơi dạt dào…

1992



VƯỜN CỦA HAI NGƯỜI

chung quanh ngôi nhà ấy
cây hiền và lá ngoan
tháng năm đầy sương móc
tẩm hương thân thể nàng

sinh ra từ gió mát
tiếng chim nuôi lớn lên
dậy thì cùng lũ bướm
nàng cũng là thiên nhiên

một hôm chàng qua đó
vương cây rách linh hồn
ghé xin nàng khâu lại
bằng sợi tóc xanh non

ngón tay nàng run run
trái tim chàng rưng rưng
nụ hôn nồng môi thơm
đoá ngây thơ nở nốt

và họ đã yêu nhau
dễ thương như nắng lụa
vườn địa đàng phải đâu
chuyện ngày xưa ngày xửa.

1973



THẢO NÀO

tôi nằm ngửa giữa bãi xanh
chao ôi cỏ mượt bồng bềnh nhấp nhô
tôi trôi không bến không bờ
lim dim siêu thoát lơ mơ men đời
giá như em đến cùng tôi
trải lòng với gió chơi vơi mơ màng
(thảo nào trong cõi thênh thang
hồn châu chấu cũng mênh mang ơi người)
hay em bỏ mặc nhau rồi
thiên nhiên đẹp quá mình tôi sao đành!

1991



ƠN EM

như tượng đá rêu phong
em trở về trên chập chùng đèo mây hoài niệm
nhưng lạ lùng sao, gương mặt xa xưa thánh thiện
vẫn rạng rỡ mỉm cười mặc lớp lớp thời gian

em trở về cho lòng tôi bất an
tình yêu tuổi nắng hồng giờ bão bùng đến thế
hay em đã hoá thân thành Đức Mẹ
chiều nay mỉm cười trừng phạt tôi chăng

xa mờ gần hai mươi năm
phút nắm tay bàng hoàng thuở đó
sống giữa đời vượt qua bao nhiêu mê lộ
được trở lại chính mình nhờ một đoá ngây thơ

em bất chợt trở về từ áo trắng học trò
hiện ra không ngờ trên đường phố
ôi tuổi mười tám du hồn tôi hoài cổ
cõi linh thiêng thăm thẳm nào chồng chất xanh rêu

tạ ơn tạ ơn chất ngọc tình yêu
sáng soi cứu rỗi cả kiếp người tục luỵ
là sự bảo ban của hồn nhiên,
cái nghiêm khắc của dịu dàng thuỳ mị
ơi Maria bé bỏng trong tâm! (*)

1991

Cước chú bài “Ơn em”:
(*) Xin xem chú thích ở bài “Thêm một lần em toả nắng trong tôi”.




TRONG MƯA THU

1

mơ em trên đường mưa
tơ vàng bay lưa thưa
lá vàng nghiêng mắt ngó
nón vàng che tóc xưa

tóc đôi bờ kẹp nhỏ
đã biết buồn hay chưa
môi hồng nhung thắm nụ
lung linh dăm hạt mưa

2

mơ em chiều mùa thu
cây thì thầm vi vu
anh nhìn đôi tay ngọc
gảy khúc đàn ước mơ

rưng rưng hồn muốn khóc
ôi ngày xưa ngày xưa
đàn xưa em còn gảy
vọng về trong hơi mưa

3

mơ em chiều chưa tan
đường đi sầu mênh mang
anh cúi đầu nhìn đất
mưa bay trên cỏ vàng

mưa phùn bay lất phất
dây đàn đâm xuyên ngang
quả tim anh nhức buốt
rụng rơi trong lá vàng

4

mơ em sân trường xưa
cặp nặng tình… vu vơ…
áo mùa thu vẫn mới
gió vờn thôi se sua

anh đi về thành nội
nghẹn ngào trong hương mưa
muôn năm tình còn mới
bao giờ như bao giờ.

1973



NGẬM NGÙI
CHIỀU ĐỊA ĐÀNG

tặng Hồ Nhất Luân

1. CẢM THỨC CHIỀU TÀ

anh dừng chân giữa cầu Ngang
ngẩn ngơ bát ngát bạt ngàn vườn xanh
thoảng trong hương đất ngọt lành
à ơi tiếng gió dỗ dành hát ru

anh từ khói đặc bụi mù
về đây cởi được hồn tù, lang thang
băng qua mấy nẻo địa đàng
lá nghiêng cành, cỏ dịu dàng níu chân

nao nao mương rạch bâng khuâng
triều vơi, con nước phân vân, chưa về
đi theo ngọn gió hồn quê
nào đâu rào chắn ngăn chia tình người

thèm nhìn quả rụng quả rơi
dẫu mùa chín ngọt qua rồi hương xưa
chút tình dù sớm dù trưa
vườn chờ bỏ ngỏ, nắng mưa vẫn hồng…

2. MỘNG DU VỚI HUYỀN TƯỢNG

chiều rồi, ngơ ngác ngóng trông
trăng xa… (con nước đang ròng, xuồng ơi!)
cam đành về phố phường thôi
ngậm ngùi chi thoáng rong chơi hỡi chiều

ước gì anh lại biết yêu
ôm em với cả Lái Thiêu vào lòng…
E-và đánh thức A-dong (*)
hái liều trái cấm (*) thơm nồng, dù cho…

bật cười, chớm mộng điên rồ
địa đàng lụi tắt, giọng hò chơi vơi
trăng hồng hoang cũng mù khơi
anh về, đêm đã xuống rồi, xa kia…

1991

Cước chú bài “Ngậm ngùi chiều địa đàng”:
(*) Eve (Eva) và Adam, theo cách phiên âm của “Kinh thánh” cũ là E-và và A-dong. Cũng theo đó và từ đó, trong chương “Sáng thế kí”, hai nhân vật nguyên thuỷ của nhân loại này cùng với địa đàng, trái cấm là huyền tượng khởi nguyên (hình tượng huyền thoại khởi thuỷ), do dân tộc Do Thái tưởng tượng ra để giải thích nguồn gốc loài người.




PHO TƯỢNG
THIẾU NỮ KHOẢ THÂN BUỒN

trong ngần thánh khiết nhường kia
và thơm ngát thon tròn chín mọng
và em, với áo lụa bay, rất đỗi thực,
vẫn như là khát vọng
đến ngồi bên pho tượng giữa trưa hè

gió công viên ngút ngát cơn mê
pho tượng bất ngờ toả sáng
tôi mê đắm, bỗng run lên trước mơ hồ
vết rạn
không phải tình cờ?
nghệ sĩ tạo hình ra nỗi mong manh?

đất sét trắng và đôi tay khổ công nhào nặn
đầy phước lành
nhưng với tôi, giây phút này,
em mang tới linh hồn cho tượng
và vết nứt mơ hồ không là huyễn tưởng
cho lòng bình tâm?

vết rạn nứt là mưa nắng tháng năm?
là cái choáng đớn đau chát đắng?
pho tượng trắng ngời. Em. Và vết rạn
biết đâu là ngọn nguồn bẩm sinh?

tôi tiếc nuối cúi xuống trái tim mình
bao nhiêu chắt chiu!
đời đang chết dần huyền ảo
lòng ráo hoảnh. Ngoài kia, phố phường huyên náo
pho tượng khoả thân trên nỗi buồn tôi
với niềm rạn nứt tật nguyền.

1992



CHÙM THƠ NHỎ

EM VỀ TRƯA NẮNG – 1990

trông ra cát trắng nắng loá mắt
tiếng con khóc ré, lòng xốn xang
gió hầm hập giật rát cả mặt
chợt em về cùng mây che ngang.

SÔNG CUỐI THU – 1990

tình cờ bên sông trưa nay
thấy rơi cánh lá, bóng cây rùng mình
và trời mây cũng rung rinh
và em bất giác lặng thinh, nghĩ gì…

ĐÊM VỚI BIỂN – 1991

vỗ trắng bãi bờ bờ bãi lênh đênh
phố bồng bềnh trăng nghiêng ngả chung chiêng
lại điên đảo với trùng trùng sóng sóng
lòng ngỡ lặng rồi. Biển chẳng lặng yên.

CẦU VỒNG – 1991
(tặng anh Phan Văn Quang)

mẹ đôi khi suýt đầm đìa cơn mưa
ba ngột ngạt nghẹn bừng nắng nỏ
nước mắt đoanh tròng con buồn bã ngó
cả nhà rưng rưng trong bảy sắc cầu vồng.

NẮNG HAI QUÊ – 1991

vào thăm, ngơ ngẩn, trưa nay
ngoài kia nắng trắng, trong này nắng xanh!
ngun ngút cát bỏng quê anh
long lanh cây lá hiền lành làng em
bâng khuâng khi chợt hiểu thêm
những gì huyền bí làm nên chuyện tình.

ĐỌC BÁO, GẶP ĐOÁ QUỲNH TRÊN CÁT – 1991

trên cội rễ xương rồng thách đố cằn khô
đến tự bao giờ một lá quỳnh óng mượt
hoa ban mai toả hương trắng muốt
cây đổi đời nhau và thấu hiểu chính mình.



LẠI TÌM THẤY NỤ CƯỜI

có nắng rộng trời cao và gió
còn có thêm dòng sông lặng yên
anh gặp lại nụ cười xưa cổ
với mắt nhìn trong vắt của em

anh hoà vào thênh thang biêng biếc
anh tan vào nắng mới hồn xưa
chỉ còn
trong mắt em êm ả
một nụ cười thanh thoát, trẻ thơ.

1985



THOÁNG THƠ
TRƯỚC NGÔI NHÀ CŨ

sông nước lung linh sóng vỗ
vàng ươm cái nắng Long Xuyên
ngấn hồng phù sa tuổi nhỏ
mới hay giờ vẫn tươi nguyên

ngôi trường Khuyến Học vẫn hiền
bình dị già nua xưa cổ
tuổi nào sống giữa bút tiên
lớn bổng ước mơ rạng rỡ

môi mọng ngọt hồng vọng cổ
người đàn bà đẹp đeo khuyên
có phải bạn tôi ngày đó
tuổi nào sông Hậu hồn nhiên

đôi cánh hoa muồng quay nghiêng
nghiêng nghiêng sân trường thương nhớ
tôi say hương xưa rất riêng
toả từ tấm lòng Nam Bộ

thoáng ba mươi năm – thoáng gió
cù lao hoa trái và thuyền
và đất và người và phố
ngập hồn một thoáng Long Xuyên.

1992



KHÚC TỰ RU
SAU CUỘC RƯỢU

ngủ đi ru hỡi giấc lành
à ơi trăng sáng bên gành, mây trôi
ngủ đi, gắng nhếch môi cười
à ơi trăng sáng trên đồi, sương bay
ngủ đi, cùng thoáng mơ say
à ơi trăng sáng ngực này, tình em
ngủ đi, mong bồng bềnh đêm
trăng phiền cõi thức sáng thêm cõi nào…

1991



GIÃ TỪ B’LAO

giã từ B’Lao
và mùa hoa vàng tháng chín
sắc hoa ngày tôi đi
vẫn nồng nàn như buổi nào mới đến

giã từ B’Lao
và vòm trời cao xanh kia
ơi vòm trời suốt đời tôi ngưỡng vọng
(nhớ đôi mắt ai long lanh sao khuya)

B’Lao B’Lao
ngày mai ra đi
nhưng lòng tôi mãi hoài ở đó
và thiên nhiên nơi đâu
cũng xanh tươi như tấm lòng B’Lao.

1980



SÀI GÒN, TRƯA ĐI LẠC

nhớ xóm cũ bên kia trường Quốc Anh xưa (*)
và Huệ Đức (Long Xuyên, An Giang);
tặng Nguyễn Nu


ai đưa anh về chốn xưa
gặp anh ngồi dưới hiên trưa, thuở nào
nắng nồng ngàn ngạt hanh hao
khét khê tôn ván nung vào giấc mê
khế rơi hoa tím bên hè
riêng anh lặng nhớ Ba Thê tím hồn
tắc kè núi nhỏ kêu dồn
thương mây đỉnh Tượng bồn chồn thương ai
tím hoa rơi tiếng thở dài
nhớ anh mẹ khóc? nhớ ngoài Trung mưa?
rừng xanh thốt nốt xanh dừa
chị hoài hát múa trong mùa chiêm bao
Miền Tây hương mật ngọt ngào
tuổi thơ rợp mát ngả vào lòng cha
nhà xa quê, anh xa nhà
trưa Sài Gòn tím từng hoa rơi buồn
một bé bỏng mấy nhớ thương
lạc trong xóm trọ, sân trường tuổi thơ
anh đi lạc đến bây giờ
ba mươi sáu tuổi ngẩn ngơ, lạc loài
con chim đổi xứ rạc rài
trưa nay đứng sững bên ngoài rào xưa
nắng mê thiêm thiếp giấc trưa
nắng vàng kí ức, khế mưa tím lòng
người xưa về trần buồn không
anh từ cõi bệnh về trông cõi này…

1992

Cước chú bài “Sài Gòn, trưa đi lạc”:
(*) Nay là Trường Trung học cơ sở Khởi Nghĩa, trên đường Nguyễn Văn Trỗi, quận Phú Nhuận, TP. HCM..




MỘT NƠI
CHỈ CÒN LÀ THƯƠNG NHỚ

biền biệt rồi, đã xa quê
bao giờ tôi được trở về thăm tôi
một thời tấm bé chơi vơi
tóc râu sầu hận một thời rêu rong

trong tôi vắng quạnh đồng không
khóm tre Một mãi vời trông xóm làng
trong tôi cát trắng chang chang
trong veo nước mắt ứa tràn đập Thanh!

Sài Gòn khuya nỗi nhớ hành
nằm im trố mắt dỗ dành trái tim
tuyệt mù rồi ơi cánh chim
xót đau tím lịm mùa sim, đừng về!

tôi lưu đày, tôi xa quê
với niềm hạnh-phúc-tái-tê cũng đành
vết thương, Quảng Trị (*) không lành
đến trăng cũng cháy, trời xanh đỏ bầm

trong tôi tuổi nhớ vẫn rằm
thương hoài Thạch Hãn xa xăm sáng hồn
trong tôi khát vọng chẳng mòn
Hải Lăng khuya khoắt sao còn long lanh

bằn bặt rồi ơi Diên Sanh
ngút ngàn Quảng Trị lau tranh xa rồi
nắng mưa không héo nụ cười
cúi xin lưu lạc trọn đời nhớ quê…

1992

Cước chú bài “Một nơi chỉ còn là thương nhớ”:
(*) Vết thương Bến Hải (vĩ tuyến 17). Hiệp định Genève 1954 chia cắt đất nước, lấy sông Bến Hải làm giới tuyến hai miền.
(Chú thích ngày 06. 03. 2005)




GƯƠNG MẶT, THỜI GIAN

anh ngồi nghe gió hát
bên kia vườn yêu thương
mặt nước lặng yên trong chiều nắng tắt
phả vào anh
chút mơ màng
êm ả bâng khuâng
và tiếng nói sâu đằm thăm thẳm –
thời gian…

có thể nào không nhớ về em
gương mặt sáng dịu dàng tươi tắn
và nụ cười rỡ ràng
và giọng nói trong ngần
lóng lánh
như còn ngân vang thiết tha
như còn chơi vơi…
mùa hoa xa xôi…

anh ngồi trong chiều phai
chấm sao xa thắp lại cuối ngày
bâng khuâng thương nhớ ai…

anh ngồi nghe gió hát
bên kia vườn yêu thương
bóng chiều mênh mang bóng chiều tím ngát
gương mặt em huyền ảo lung linh
trên dòng tháng năm…

1982



HƯƠNG LAM CHIỀU HÔM

lam mờ khói nhang trầm mặc giữa trời
khẽ giật mình trước dáng đứng nghìn năm phơ phơ
ngỡ mơ hồ ai đánh thức
hồn thiêng bao đời núi sông hiện khuất
trong hương lửa chiều hôm, thăm thẳm tấc lòng

giữa rối bời hốc hác lo toan chất chồng
chợt nhớ chợt quên
bụi bặm phủ đầy những gì tưởng chừng
huyễn hoặc
mất trong còn và còn trong mất
như với mỗi nụ cười, chiếc lá,
tính tuổi làm sao mỗi vật mỗi điều

lam mờ khói nhang trầm mặc cuối chiều
thiêng liêng cả những gì bình thường nhất
nhân loại và muôn nghìn năm
chứa trong từng hạt đất
với thoáng hương lửa chiều tà, ngọn gió tương lai
cũng hừng sáng trong tâm

dáng đứng nghìn năm phơ phơ lặng thầm
giữa lam mờ chiều hôm, mẹ trở thành huyền diệu
con cảm nhận những gì ngỡ chừng không thể hiểu
máu xương thực thế kia thì trời đất có tâm hồn…

1991



BAO GIỜ

bao giờ rau diếp làm đình
gỗ lim ăn ghém cho mình thương ta
(ca dao)


buồn như cây lá mùa thu
thương người tôi đứng tương tư bên nhà

bao giờ rơm rạ đơm hoa
cho tình tôi nắng trắng tà áo bay

bao giờ đất hoá làn mây
tôi đi qua ngõ cho ai đứng nhìn

bao giờ đá cuội làm tim
để tôi hờ hững như em bây giờ

bao giờ như mây bơ thờ
thương ai em đứng thẩn thơ trước nhà

bao giờ mơ cỏ thành hoa
cho em biết khổ để mà thương tôi…

1973



CHIỀU UỐNG RƯỢU
MỘT MÌNH

rừng xa nắng muộn tắt rồi
chợt ngôi sao cũ cuối trời thắp lên
và lòng không thể nguôi quên
thoảng ngọn nồm bỗng thoảng tên một người

(rượu ơi ngỡ chỉ vui thôi
xui chi dại dột nhớ thời mới yêu!)


cháy lên trong chén rượu chiều
chín mê mười mộng năm liều bảy lo
những đêm khuya, thơ học trò
một chiều gió cố tình cờ làm quen

(hỡi ơi quên cữ quên kiêng
rượu ma rượu phật rượu tiên say người!)


gõ bàn hát chẳng ra hơi
vuốt đầu tóc rối bật cười, bâng khuâng
thoáng sao xa, thoáng sao gần
ảo thanh hay gió vọng thầm tên ai…

1990



CUỐI CÙNG
XIN MỘT LẦN CẢM ƠN

khói đá mờ bay
hàng thông xanh rùng mình ướt đẫm
một buổi chiều một mùa thu
cánh chim qua đỗi vô tình
mang đến
tiếng chuông chùa ngân nga

mùa xưa năm xưa hồn xưa
em đi trên đường chiều vui cỏ
tình sầu sương tan
guốc khua êm nồng nàn
áo bay trong gió
ngoan hiền vai tóc đan thanh

ta – tên mục tử
nghiêng tiếng sao vô vi
lùa bầy trâu trầm luân trả lại chuồng đời
ta nằm lăn trên cỏ
hôn dấu chân em
nghe lòng mình thênh thang như buồm mây lộng gió
rộn rã chân em
guốc khua nho nhỏ

ngày xưa năm xưa mùa xưa
nắng cúc vàng ngoài ngõ
ôi một sáng mai thu
ta đứng nhìn em cuối phố
bâng quơ em cười bỡ ngỡ
và trái tim hồng ta đã hiến dâng

ơi tình mùa trên lá rưng rưng
ơi mùa thu quàng vai ngoan
đưa em về lối lạ
nơi có một dòng sông rất xanh
nơi có chiếc cầu bắc qua hai bờ đất
(chưa một lần gặp nhau)
cho em soi bóng mỉm cười
cho em bâng khuâng sắp khóc
nhìn lá thu bay
ước mơ như cụm lục bình trên dòng ngày tháng
bên bóng mây phiêu đãng êm đềm
nơi có những con thuyền đầy cát long lanh…
để hôm nay
tôi đứng bên này bờ nghe sóng vỗ
cầu xưa vẫn gãy
nối liền với bờ kia – hư không!
và trái tim xưa…
tôi làm người mất bóng

cuối cùng xin một lần cảm ơn
em đã chia nhau những thoáng yêu thương
suốt phần đời tôi không tiêu hết
ơi những tiếng chân em
đã tập cho tôi từng bước sống
đã dìu tôi qua cầu gian nan
đã vuốt ve tôi những lần thảm bại

xin một lần cảm ơn
ơi hàng thông xanh chân núi đá
cảm ơn bốn mùa có mây có gió
có nắng và mưa trong tình sầu vạn cổ.

1973



CÂY BÀNG VÀ NGƯỜI ẤY

chống chỏi nỗi buốt giá
bàng đứng giữa mưa đông

nén niềm đau vật vã
có người đang hát ngông

máu đỏ ứa bẫm lá
râu tóc người tơi tả

nước mắt rơi bỏng má
người cười tràn ha hả

bàng cùng trẻ chờ trông
mùa bóng râm và quả

sao cũng một chút lòng
đành nhìn nhau xa lạ!

1990



ĐỌC ẨN DỤ CỔ
BÊN DÒNG THẠCH HÃN

cúi nhìn mình trong vại dấm in soi cả bóng đất trời
thương sự sống và bụi tro – thấu suốt kiếp người
kẻ sĩ ngày xưa ơi
ai bảo ngọt ai nghe chua
và ai thấy niềm chát đắng
và ai nữa nhìn ra long lanh lệ mặn
muôn kiếp chảy ròng…

đón nhận đủ vị đời
Quảng Trị hiểu sông là sông
và sông là mồ hôi lóng lánh
cho tanh xót hoá mỡ màu,
cay cực lại bùi thơm
bình tâm mỉm cười hồn hậu tự nghìn năm.

1991



MỘT THOÁNG HOA

hình như nắng rất ngọt lành
trên cây và lá trên cành và em
tôi đang ngơ ngẩn vời xem
cánh rời rụng xuống, hiện lên trái vàng
mặc tôi bối rối bàng hoàng
thắm hương, rơi nhẹ vào bàn tay ai!
tôi cam nuốt tiếng thở dài
hạt mầm vươn khẽ, xanh cài lên xanh!

qua mơ mòng quá mong manh
xưa sau em đã hiện thành trong tôi
nơi em có bao nết người
rất hôm nay lại như thời cổ sơ
vừa già cỗi vừa non tơ
đang chín mọng, thoáng bất ngờ, tàn rơi!

yêu em từ thuở xa xôi
đã bao năm quá nửa đời quá xa

mất nhau rồi mới hiểu ra
em là hoa chỉ thoáng là hoa thôi
bởi em rất đỗi con người
tôi mê tưởng nên một đời buồn đau
thời gian giờ rối vào nhau
xót đôi sợi bạc chen màu tóc xanh

thoáng hoa nắng cũ ngọt lành
hình như hư ảo thôi đành hình như!

1992



CHÙM THƠ NHỎ

HƯƠNG SẦU ĐÔNG – 1985

sầu đông ơi mùa hoa tím ngát
nghe nao nao làn hương xa xăm
sầu nơi đâu mang mang mặt đất
đông qua rồi sao còn bâng khuâng.

THƠ NHỎ BÊN SÔNG – 1992

em về bến ấy mù sa
với vầng trăng mỏng và hoa dại buồn
em về bến ấy mù sương
với con đò nhỏ, sào buông, sao đành!

TRĂNG VƯỜN AI – 1990

đêm rất tình dưới vầng trăng mỏng
giọng hát ai huyền ảo mông lung
tiếng đàn ai chạm vào bát ngát
vọng về tôi ngợp trước vô cùng.

ĐOÁ TRANG – 1985

sớm mai lặmg ngắm đoá trang
nở hiền bên hiên nhà cũ
ngoài kia đường – xôn xao ồn ào quán chợ
sao trang rực cháy âm thầm
cho mắt tôi như trẻ nhỏ – thêm một lần trẻ nhỏ –
sáng hừng lên.



CÕI MIỀN DỄ VỠ

thoáng dòng sông nào thấy nước đâu
vàng ngập nắng bóng con đò loá nắng
tàu băng qua vùng pha lê vỡ rạn
rạn vỡ trong tôi những vết thương hồng

buồn lịm đi. Đêm tràn tới nhoà sương
khoang nhốt gió, lắc lư,
tiếng sắt thép mệt nhoài và đèn vàng võ
(tôi mở mắt nắng tắt rồi cõi nhớ)
miền quê em giờ cũng xa rồi

cảm ơn cảm ơn thời rực nắng! Nắng mơ hồ
man mác êm trôi
nắng sũng ướt dấu chân bờ cát sáng
tiếng chim pha lê hoa cỏ pha lê
pha lê trang thơ trưa học trò nắng vỗ bờ lãng mạn

thôi mãi mãi chỉ là tình bạn
men nắng say huyền ảo đã xa với
muốn thanh thoát nào dám đâu siêu thoát
bánh sắt đời thường vẫn nghiến tan
miền nhớ tinh khôi!

1992



ĐÃ CHO BA TỰ BAO GIỜ…

ai lên chơi núi đề thơ
núi Bài Thơ tự bấy giờ có tên
cầm vành nón lá soi nghiêng
thấy bài thơ nhỏ sáng lên nắng hồng
bé ơi, đáy mắt tươi trong
ba nhìn vào đó viết dòng ước mơ

hồn thơ đất nước không ngờ
đã cho ba tự bao giờ tên con
không làm nên chuyện nhiều hơn
thương yêu gửi ở tên con chút lòng

mai này đội nón nhìn sông
đọc thơ tìm núi ba cùng con đi

lớn lên dẫu bé làm chi
nhớ bài thơ nhỏ ba ghi vào hồn…

niềm thơ Đất Mẹ ru con
vọng từ thăm thẳm mãi còn thiết tha
ngân nga suốt một đời ba…
quê hương là tứ con là Bài Thơ…

1998



BÊN CON ĐƯỜNG SINH VIÊN

tóc râu hoe bụi đường
dừng chân bên hè phố
tà áo xanh ngày nọ
phất động niềm nhớ thương

thuở theo nhau tới trường
nắng thơm hàng long não
tóc dài màu huyền ảo
lụa xanh trời sông Hương

qua ngàn nỗi vô thường
sao còn xanh áo ấy
nón lá ngà vẫn vậy
riêng lòng vơi khói sương?!

anh dừng chân bên đường
gặp lại thời thơ đó
Mỹ Tho reo guốc nhỏ
vần khua vàng nắng vương

nhật kí xe bao chương
xoá mấy mùa mơ cũ
ngờ đâu trưa lạc xứ
thoảng sáng hồn uyên ương

anh dừng chân bên đường
lẻ loi trông áo biếc
đang chiêm bao tưởng tiếc
lá xoáy cuồng chân tường.

1992



THƠ Ở BÀN VẮT SỔ

ba sợi chỉ rút đi
tôi ngồi vắt sổ
chợt sáng mai nay
chẳng thể vô tâm như trẻ nhỏ

ôi kỉ niệm vơi dần
và hôm nay và ngày mai nữa
vơi đến bàng hoàng

thời gian
thời gian vun vút trôi qua
bất chợt ngẩn ngơ sững sờ lặng ngó
tôi thấy tôi râu tóc nhạt nhoà
gò lưng bên bàn vắt sổ

tháng năm như tơ chỉ nhỏ
ba trục thời gian
vơi đến bàng hoàng…

nhưng nếu trên đời này
những người thợ may không có
và bao kẻ như tôi không ngồi vắt sổ…

ôi sáng mai nay
tôi vẩn vơ buồn cười, trẻ nhỏ…

1988



CÂY MAI BUỒN

như Phật Bà nghìn mắt nghìn tay
lá và cành – trong sương khói nhớ
có người đàn ông tín mộ
chờ phép mầu từ oan khổ tình em

mai lặng lẽ trước thềm
rét lập xuân mờ nhoà thổi khẽ
tiếng nguyện thầm hay hơi thở dài ghìm nhẹ

từ nông nỗi kia
mắt mở nghìn lộc non
tay nâng niu nghìn đoá vàng.

1992



Hàn Vũ Hùng

TRẦN XUÂN AN,
NHÂN BẢN

(bài viết đã in trên Tạp chí Cửa Việt
số 11, 1992)


“Nắng và mưa” (*) là một miền tâm thức độc đáo đáng yêu. Độc đáo mà không xa lạ. Đáng yêu mà không kiêu kì. Đấy là miền tâm thức rất đỗi nhân hậu của một chàng trai Quảng Trị, một kẻ vô vùng tha thiết với Quê hương, với Mẹ già, vợ con, bè bạn và cuộc sống. Anh sớm tha hương, sớm nhập thế, luôn đau đáu, khắc khoải, day dứt với bao nỗi niềm phức tạp, và anh cứ mãi hoài tìm kiếm chính anh “trong ống kính vạn hoa / vạn nghìn đổ vỡ / vạn nghìn niềm vui / say đắm / khát vọng / chua xót / đắng cay” . Đấy là một miền tâm linh huyền ảo và thực tại, ngây thơ và già dặn, ngọt ngào và đắng cay, tự hào và hờn tủi, tin yêu và xao động, dịu dàng và phẫn nộ; ở đấy chứa chất vô vàn những hoài niệm day dứt về tuổi thơ, những suy nghiệm xót xa về hiện tại và những trăn trở khát vọng về tương lai.
“Tóc bay sương trắng” là bài thơ đầu tập, anh viết kính tặng Mẹ – bài thơ của chàng trai 17 tuổi lưu lạc phương trời lạ:
“nhìn sông nước lã trôi xuôi
con như lạc giữa dòng đời đã lâu”

Với Mẹ, anh bao giờ cũng là một đứa bé non dại cần được ấp ủ, dắt dìu. Phải mà, 17 tuổi vẫn còn bé lắm, mà giờ đã vào tuổi 35, anh vẫn còn là bé bỏng. Mẹ là nơi nương náu của linh hồn anh. Mẹ cũng như quê nhà, luôn là cõi đi về. Thế nên, “con úp mặt nhớ quê hương / thương sao quán mẹ bên đường mưa bay” .
Qua bài thơ đầu tập này, ta liền nhận ra các tâm đức đáng yêu trong diện mạo tâm linh Trần Xuân An, và tự nhiên ta tin cậy thật nhiều, thương mến thật nhiều vào thế giới thơ và nhân cách Trần Xuân An.
Cái tôi Trần Xuân An rất đậm nét, phơi bày lồ lộ rất hồn nhiên. “Nắng và mưa” là một dung mạo riêng biệt, giàu cá tính, đa cảm, có tri thức, có chiều sâu, dễ nhớ, dễ nhận, dễ thân quen và chắc chắn là hồn hậu đáng yêu. Anh khiêm tốn ví mình là: “… giọt sương, chỉ là giọt sương / lóng lánh hừng đông”. Một “giọt sương”, giàu hoài niệm và vọng tưởng. Tâm thức anh trăn trở: “ơi giọt sương khuya / hãy lạnh ngón chân bấm trên lối về quá khứ / tỉnh lại những ngày qua còn khét nồng cuồng điên phẫn nộ” . Nhưng ở anh, không hề có chủ nghĩa cá nhân; anh nhận thức rất cao đẹp về trách nhiệm cá nhân, biết xây dựng và thăng hoa cái tôi:
“mỗi cuộc đời một hành trình gian khổ
bắt đầu đi từ phía của riêng mình
góp vào hừng đông – chân trời cháy ngời tất cả”
.
Đối với Trần Xuân An, “mỗi bài thơ là một lần lắc tay / như một lần trái tim nhói thắt”. Và anh cảnh cáo “loài cú vọ / đừng đụng đến thơ” . Anh cho rằng, nhà thơ như “ngọn thu lôi / nhận bao sấm sét giữa trời thương đau / dẫn truyền xuống tận đất sâu / mạch đời hoá giải biết bao nỗi đời” .
“Nắng và mưa” là một miền tâm linh chân thật, rất thực, đến độ khiến ta ngạc nhiên, mà ta có thể cảm nhận, cảm thông được, thậm chí chia sẻ được.
Chỉ qua một tập thơ mỏng mà ta hiểu biết về anh rất nhiều. Một sự hiểu biết không hề ngộ nhận. Tất cả là hiện thực, nhưng không hiện thực một cách trần trụi, thô kệch. Thơ anh là một hiện thực tinh tế được chắp cánh, được tắm gội, chắt lọc, có hơi hám bùn ruộng nhưng thơm dịu mùi mạ non, có nghiệt ngã mưa bùn nắng lửa nhưng long lanh “giọt sương / đọng cả mùa trăng tuổi nhỏ” . Một hiện thực lung linh sắc màu và gợi cảm vì đã được phản chiếu qua một cõi tâm thức đa tầng, đa diện, mang chiều kích không gian, thời gian vô hạn. Hiện thực này nhiều khi bay vút vào chiêm bao, chiếm lĩnh những ảo ảnh hoang đường, lẫn hoài niệm về một thiên đường đã bị đánh mất; hay có khi lần mò vào cõi siêu thực tìm kiếm Cái đẹp, Tự do, An lạc. Hình như tâm thức anh thường trực nóng sốt, có lẽ vì thế mà anh mắc “bệnh tâm thần” (**). Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo viết: “Trạng thái “tâm thần” của Trần Xuân An không ít, và khi anh làm chủ được ngôn từ, những ý tưởng đau đớn và cao đẹp bỗng lay động lòng ta” .
Không hiểu sao khi đọc thơ Trần Xuân An, tôi cũng chạnh nhớ đến Hàn Mặc Tử, và còn liên cảm tới nhà thơ Nga Ê-xê-nhin (EceHиH). Chắc chắn không phải là ngẫu nhiên. Hãy nghe anh reo trong thổn thức:
“… con về đây, con về đây
nghẹn lòng con giữa đất này, quê hương…”
“… xóm giềng cũng đến sum vầy
tay con mềm lại trong tay bạn bè…”

Anh từng “lang thang dọc cửa sông khuya”, thấy “tâm hồn đất nước hiện về như mơ” , khiến anh “suốt ngày ngây dại sững sờ” .
Tuổi thơ – hay nói chung là những gì đã trôi qua – là một khát vọng kiếm tìm dai dẳng, ráo riết của anh. Anh thường hoài niệm hay “hoang tưởng” để có lại “thời gian đã mất” (Marcel Proust). Nếu có phép nhiệm mầu, anh sẵn sàng đánh đổi tất cả để được trở về với tuổi thơ, với “mùa trăng tuổi nhỏ”, cả “thời mới lớn đam mê”, cái “thời con dế nhỏ / ngậm sương mùa tương tư” , cho dẫu xã hội “ngắn dài câu gian dối / ướt sũng lời lọc lừa”. Tội nghiệp anh, cứ thích làm “chim đổi xứ / tìm hoài mùa ngây thơ” để “một đời còn thương nhớ / khi nghe tiếng chuông xưa”. Thấy anh cứ trăn trở, ngậm ngùi mà thương: “Đã xa rồi một đời xa / vẫn không nhạt nổi em và ngày xưa / thời tôi vừa tạnh bão mưa / tim ta mê muội bỏ bùa cho nhau”.
Anh gợi ta nhớ về tuổi ngây ngô cứ mãi băn khoăn khi nhìn lên “trời cao xa xanh ngàn năm” , tự đặt ra vô vàn câu hỏi lạ lùng về mệnh số, thiện ác, vui buồn mà đến nay ta vẫn còn đang loay hoay tìm câu giải đáp. Than ôi, những câu đố ấy vẫn sẽ còn lung linh bí ẩn đến ngàn sau.
Mẹ và tuổi thơ (hàm chứa quê hương và di sản văn hoá) là nguồn cội, luôn luôn ám ảnh kích thích anh sáng tạo. Tâm hồn anh khắc khoải niềm ngưỡng vọng vô biên về nguồn cội. Niềm khắc khoải này đã hàm dưỡng nhân cách, lương tâm và tài năng của anh. Mấy câu thơ này tôi cảm thấy là lạ và thú vị:
“mang nỗi đau hoá đá giữa lòng
nhưng chất Quảng Trị trong mình có chút nào không?
cùng gió mới, giữa trưa này, qua sông
hồn Thạch Hãn bảo tôi mỉm cười ngẩng mặt”
.
Và nỗi dằn vặt này mới cao quý, cảm động làm sao: “đời cho muôn mối nợ / quên hết, sao quên ơn? / chết, hai mắt vẫn mở?” .
Nhưng có lúc anh bức xúc thốt lên đau đớn để phản đối người đời đã truy bức, áp đặt, ngộ nhận anh: “không phải điên là hết / không phải, không phải đâu” (***). Hãy đọc thơ anh đi! Bạn sẽ hiểu anh là Gã “tâm thần” (****) giàu chất nhân bản, biết sống cao thượng và biết sáng tạo.

Đông Hà, tháng 8. 1991
HÀN VŨ HÙNG


Cước chú bài “Trần Xuân An, nhân bản” (Hàn Vũ Hùng):
(*) Trần Xuân An, Nắng và Mưa, tập thơ, Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Trị xuất bản, 1991.
(**) “Bệnh tâm thần”, “trạng thái ‘tâm thần’”, hai cụm từ này được hiểu như một cách nói tu từ, không phải là bệnh tâm thần thật sự.
(Chú thích ngày 06. 03. 2005)
(***) Đúng ra đây là câu trích từ bài thơ Trần Xuân An viết thay những bệnh nhân tâm thần. Xem thêm “Lời thưa nhân dịp chép lại tập thơ “Nắng và mưa”, đã xuất bản lần thứ nhất, để phát hành trên mạng liên thông quốc tế (internet)”…
(****) Xem chú thích (**).
(Chú thích ngày 06. 03. 2005)



MỤC LỤC


◘ Thơ ngỏ
1.Thoáng xưa
2.Khúc hát chiêu hồn mình
3.Huế và ngày sinh
4.Thăm anh nơi miền xanh ấy
5.Đôi khi
6.Liên khúc buồn trong mộng tưởng
7.Thăm bạn ở Phan Thiết
8.Mãi hoài Cần Thơ, với trái tim thuở đó
9.Mùa ngô ở vùng đất ấm áp
10.Chùm thơ nhỏ (5 bài)
11.Ngày con ra đời
12.Đà Nẵng, chiều tiễn bạn
13.Cõi người ta sẽ đẹp sao
14.Ngôi nhà có cây thị thơm vàng
15.Vườn thu trưa
16.Ngày trầm hương thơ ca – Phụ bản Đỗ Trung Quân
17.Khúc hát tìm rừng
18.Thêm một lần em toả nắng trong tôi
19.Bài thơ gửi người bạn láng giềng
20.Tự trấn an trong đêm về phép
21.Sương sớm mai
22.Cơn bão và cây sầu đông
23.Bướm trắng
24.Bên sông
25.Niềm vui
26.Ba hát và con ru
27.Hoa quỳ vàng
28.Nhớ nhà
29.Nụ cười tìm gặp
30.Đêm ngủ trên hiên
31.Ngày ấy, đá mồ côi – Phụ bản Đỗ Trung Quân
32.Gặp nhau
33.Nghĩ về người nghệ sĩ và tiếng đàn tài hoa thuở ấy
34.Dòng sông chiều
35.Núi xanh tiếng hú, tự trào
36.Chùm thơ nhỏ (5 bài)
37.Về làng quê tìm bạn thơ
38.Nguyên Ngân
39.Ban mai cõi lạ
40.Bàu Vịt và ánh trăng
41.Khối tình
42.Phương Nam với bạn bỗng dưng khẩu khí tết
43.Vườn của hai người
44.Thảo nào
45.Ơn em
46.Trong mưa thu
47.Ngậm ngùi chiều địa đàng
48.Pho tượng thiếu nữ khoả thân buồn – Phụ bản Đỗ Trung Quân
49.Chùm thơ nhỏ (6 bài)
50.Lại tìm thấy nụ cười
51.Thoáng thơ trước ngôi nhà cũ
52.Khúc tự ru sau cuộc rượu
53.Giã từ B’Lao
54.Sài Gòn, trưa đi lạc
55.Một nơi chỉ còn là thương nhớ
56.Gương mặt, thời gian
57.Hương lam chiều hôm
58.Bao giờ
59.Chiều uống rượu một mình
60.Cuối cùng xin một lần cảm ơn
61.Cây bàng và người ấy
62.Đọc ẩn dụ cổ bên dòng Thạch Hãn
63.Một thoáng hoa
64.Chùm thơ nhỏ (4 bài)
65.Cõi miền dễ vỡ
66.Đã cho ba tự bao giờ…
67.Bên con đường sinh viên
68.Thơ ở bàn vắt sổ
69.Cây mai buồn
◘ Trần Xuân An, nhân bản (Hàn Vũ Hùng)
◘ Vài nét về tác giả
◘ Mục lục
70.Chân dung (thủ bút, bìa 4)

Phụ bản:
ĐỖ TRUNG QUÂN


VÀI NÉT VỀ TÁC GIẢ

Trần Xuân An
Sinh ngày 10. 11. 1956.
Nơi chôn nhau cắt rốn: Huế.
Quê cha đất tổ: Quảng Trị.
Tuổi học trò theo cha và anh sống ở nhiều nơi.
1971, cùng bạn bè chủ trương tập san Đất Vàng, trong giới học sinh ở Tam Kỳ (Quảng Nam – Đà Nẵng), với bút hiệu Huyên Đình (Người Mẹ).
1973, “Tiếng chuông xưa” , bài thơ lãng mạn đầu tiên in trên Tuổi Ngọc.
1975, được tặng thưởng “Một trong mười bài thơ hay nhất trong năm” của báo Văn nghệ Giải phóng.
Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Huế (1974 – 1978). Dạy học ở Lâm Đồng gần 5 năm.
hiện chuyên sáng tác, nghiên cứu tại TP. HCM.
(hội viên Hội Nhà văn TP. HCM.)

DANH MỤC
TÁC PHẨM, SOẠN PHẨM, BIÊN KHẢO
CỦA TÁC GIẢ
(tính đến 2005)

Tác phẩm đã xuất bản và đã đăng kí bản quyền tại Cục bản quyền tác giả văn học nghệ thuật Việt Nam:

1. Nắng và mưa, thơ, Hội VHNT. Quảng Trị, 1991.
http://www.giaodiem.com tháng 7-2005
http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_III05/705_index.htm
2. Hát chiêu hồn mình, thơ, Nxb. Đồng Nai, 1992.
Blogger tháng 11-2005
http://tranxuananthitap2.blogspot.com/
3. Tôi vẫn ở trên đường, thơ, Nxb. Văn Nghệ Tp. HCM., 1993.
Blogger tháng 11-2005
http://tranxuananthitap3.blogspot.com/
4. Lặng lẽ ở phố, thơ, Nxb. Trẻ, 1995.
Blogger tháng 11-2005
http://tranxuanantthitap4.blogspot.com/
5. Kẻ bị ném vào bão, thơ, Nxb. Trẻ, 1995.
6. Hát với đời ơi thương mến, thơ, Nxb. Trẻ, 1996.
Blogger tháng 11-2005
http://tranxuananthitap6.blogspot.com/
7. Quê nhà yêu dấu, trường ca thơ, Nxb. Văn Nghệ Tp. HCM., 1998.
8. Có một nơi lá mãi xanh, tiểu thuyết, Nxb. Hội Nhà văn, 1999.
http://www.giaodiem.com tháng 7-2005
http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_III05/705_index.htm
9. Ngôi trường tháng giêng, tiểu thuyết, 1998, Nxb. Thanh Niên, 2003.
Blogger tháng 11-2005
http://tranxuananngoitruongthgieng.blogspot.com/
10. Sen đỏ, bài thơ hoà bình, tiểu thuyết, 1999, Nxb. Thanh Niên, 2003.
Blogger tháng 11-2005
http://tranxuanansendobthhbinh.blogspot.com/
11. Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886), truyện – sử kí – khảo cứu tư liệu lịch sử, trọn bộ 4 tập, 2002 – 2003; Nxb. Văn Nghệ TP. HCM.
http://www.giaodiem.com tháng 11-2005
http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_IV05/1105_index.htm
12. Ngẫu hứng đọc thơ, phê bình thơ, 2003; NXB. Văn Nghệ TP. HCM., 2005
http://www.giaodiem.com tháng 7-2005
http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_III05/705_index.htm

Tác phẩm đã hoàn tất bản thảo:

13. Mùa hè bên sông (Nỗi đau hậu chiến), tiểu thuyết, 1997; hai bản đã sửa chữa và bổ sung, 2001 (lần hai) và 2003 (lần ba).
Website Giao Điểm:
http://www.giaodiem.com tháng 6-2005
http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_III05/605_index.htm
14. Thơ những mùa hương, thơ.
Blogger tháng 11-2005
http://tranxuanantthitap9.blogspot.com/
15. Giọt mực, cánh đồng và vở kịch điên, thơ.
http://www.giaodiem.com tháng 9-2005
http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_III05/905_index.htm
16. Nước mắt có vị ngọt, tập truyện ngắn, 1999.
http://www.giaodiem.com tháng 10-2005
http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_IV05/1005_index.htm

Soạn phẩm biên khảo đã hoàn tất bản thảo:

17. Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886), thơ – Vài nét về con người, tâm hồn và tư tưởng (biên soạn – nghiên cứu, phản bác, và tập hợp một số bản dịch, bài khảo luận văn học và sử học về NVT.), 2000 & 2003.
http://www.giaodiem.com tháng 8-2005
http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_III05/805_index.htm
18. Tiểu sử biên niên Kì Vĩ phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường – “kẻ thù lớn nhất của chủ nghĩa thực dân Pháp” (từ Đại Nam thực lục, rút gọn), dạng niên biểu, sách dẫn chi tiết, phần I, 2001.
19. Những trang Đại Nam thực lục về Kì Vĩ phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886) và các sự kiện thời kì đầu chống thực dân Pháp… (Quốc sử quán triều Nguyễn, Tổ Phiên dịch Viện Sử học VN.), chọn lọc, phần II, 2001.
20. Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886), “những người trung nghĩa từ xưa, tưởng không hơn được”, khảo luận và phê bình sử học, 2002 & 2003. Website Giao Điểm:
http://www.giaodiem.com
http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_III05/505_index.htm
21. Suy nghĩ về một số vấn đề trong lịch sử cổ đại nước ta, khảo luận, 7.2004.
http://www.giaodiem.com tháng 9-2005
http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_III05/905_index.htm

Tặng thưởng, giải thưởng:

1. Báo Văn nghệ giải phóng, 1975.
2. Giải Sáng tạo trẻ, Hội VHNT. Quảng Trị, 1991.



Phần gấp bìa 4:

“… thơ anh tránh được những lối mòn quen thuộc, có nét độc đáo trong ngôn từ và một cái ‘souffle’ (*) riêng”.

TRẦN PHONG GIAO
(Tạp chí Văn TP. HCM., số 20 / 1992)

Cước chú ở tr. A (phần gấp bìa 4):
(*) Souffle: hơi [thơ], khí [thơ] (thi phong, văn phong). Poèt qui a du souffle: Thi sĩ có khí chất (phong cách thơ).
(Chú thích ngày 07. 03. 2005)


Bìa 4

Thủ bút
CHÂN DUNG

có ai ném xuống dòng sông
một trái tim nhớ, bao vòng sóng lan:
tấm gương lệch nếp thời gian
cho ai soi thấy rõ ràng chân dung.

1985

chữ kí tác giả


GHI CHÚ THEO THỦ TỤC:

TÁC GIẢ GIỮ BẢN QUYỀN TỪNG CHỮ, TỪNG Ý TƯỞNG CỦA MÌNH.
TRÂN TRỌNG
VÀ THÀNH THẬT BIẾT ƠN.


HÁT CHIÊU HỒN MÌNH
tập thơ thứ hai
của TRẦN XUÂN AN
NXB. Đồng Nai
1992

TRUY CẬP THÊM CÁC ĐỊA CHỈ WEBs/ BLOGs
(bấm vào LINKs sau đây):

http://tranxuananthitap9.blogspot.com/
http://tacphamtranxuanangiaodiem.
blogspot.com/

http://tranxuananngoitruongthgieng.
blogspot.com/

http://tranxuanansendobthhbinh.
blogspot.com/

http://tranxuanantthitap4.blogspot.com/
http://tranxuananthitap3.blogspot.com/
http://tranxuananthitap6.blogspot.com/

http://tranxuanantthitap9.blogspot.com/
http://tranxuananthitap2.blogspot.com/
http://tranxuanantruongcatho7.
blogspot.com/

http://tranxuananthitap5.blogspot.com/

http://tranxuanantthitap1.blogspot.com/

http://tranxuanantieuluan.blogspot.com/
http://tranxuanantieuluan9b.blogspot.com/

http://tranxuanancmnlamaixanh.
blogspot.com/

http://tranxuanancmnlamaix2.
blogspot.com/


http://tranxuananbinhtho.blogspot.com/

http://tranxuananpcdtnvt1a.
blogspot.com/

http://tranxuananpcdtnvt2a.
blogspot.com/

http://tranxuananpcdtnvt2b.
blogspot.com/

http://tranxuananpcdtnvt2c.
blogspot.com/

http://tranxuananpcdtnvt3a.
blogspot.com/

http://tranxuananpcdtnvt3b.
blogspot.com/

http://tranxuananpcdtnvt4a.
blogspot.com/

http://tranxuananpcdtnvt4b.
blogspot.com/

http://tranxuananpcdtnvt4c.
blogspot.com/


http://tranxuanan-trphu.
blogspot.com/



HOẶC CÓ THỂ BẤM VÀO DÒNG CHỮ
VIEW MY COMPLETE PROFILE
Ở BẢNG ABOUT ME
[ có thể xem như trang chủ { # homepage # } ] –
http://www.blogger.com/profile/
14904482

– ĐỂ TỪ CÁC ĐƯỜNG LINKs TẠI ĐÓ,
ĐỌC NHỮNG TÁC PHẨM KHÁC CỦA TÁC GIẢ
TRÊN WEBs / BLOGGER.

NGOÀI RA, CÓ THỂ TRUY CẬP THÊM
CÁC TÁC PHẨM SÁNG TÁC, KHẢO LUẬN, BIÊN SOẠN CỦA TÁC GIẢ
TRÊN TẠP CHÍ ĐIỆN TỬ GIAO ĐIỂM
(xin bấm vào các đường LINKs sau đây):

http://www.giaodiem.com/
mluc/mluc_III05/505_index.htm

http://www.giaodiem.com/
mluc/mluc_III05/605_index.htm

http://www.giaodiem.com/
mluc/mluc_III05/705_index.htm

http://www.giaodiem.com/
mluc/mluc_III05/805_index.htm

http://www.giaodiem.com/
mluc/mluc_III05/905_index.htm

http://www.giaodiem.com/
mluc/mluc_IV05/1005_index.htm

http://www.giaodiem.com/
mluc/mluc_IV05/1105_index.htm



+++ LINK tổng mục TẬP I :

http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_IV05
/1105_txa-ky-content.htm


+++ LINKs các tiểu mục TẬP I (gồm 15 tệp [files]):

http://www.giaodiem.com/
mluc/mluc_IV05/1005_nvtuong_txaI.htm


http://www.giaodiem.com/
mluc/mluc_IV05/1105_txa_ky1.htm


http://www.giaodiem.com/
mluc/mluc_IV05/1105_txa_ky2.htm


http://www.giaodiem.com/
mluc/mluc_IV05/1105_txa_ky 3.htm


http://www.giaodiem.com/
mluc/mluc_IV05/1105_txa_ky4.htm


http://www.giaodiem.com/
mluc/mluc_IV05/1105_txa_ky5.htm


http://www.giaodiem.com/
mluc/mluc_IV05/1105_txa_ky6.htm


http://www.giaodiem.com/
mluc/mluc_IV05/1105_txa_ky7.htm


http://www.giaodiem.com/
mluc/mluc_IV05/1105_txa_ky8.htm


http://www.giaodiem.com/
mluc/mluc_IV05/1105_txa_ky9.htm


http://www.giaodiem.com/
mluc/mluc_IV05/1105_txa_ky10.htm


http://www.giaodiem.com/
mluc/mluc_IV05/1105_txa_ky11.htm


http://www.giaodiem.com/
mluc/mluc_IV05/1105_txa_ky12.htm


http://www.giaodiem.com/
mluc/mluc_IV05/1105_txa_ky13.htm


http://www.giaodiem.com/
mluc/mluc_IV05/1105_txa_ky14.htm


http://www.giaodiem.com/
mluc/mluc_IV05/1105_txa_ky15.htm



Trân trọng và cảm ơn.
Tác giả,
Trần Xuân An

__________________

Thứ tư (thứ năm cũ), 30-11 HB6 (2006):
Tác giả có thay đổi "template" (biển nền);
ngoài ra không có sự sửa chữa nào khác.
TXA.